Dấu ấn công nghiệp 4.0 trong phát triển nông nghiệp
- Thứ hai - 01/01/2018 02:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngoài những mô hình, dự án lớn ứng dụng CNC hiệu quả, điển hình như việc phối hợp với tỉnh Lâm Đồng xây dựng một số mô hình điểm sử dụng các loại giống rau, hoa có năng suất, chất lượng cao tại 2 huyện Sa Pa và Bắc Hà; phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp CNC TP Hồ Chí Minh thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel… thì người dân trong tỉnh đã và đang chủ động hội nhập với ngành công nghiệp 4.0.
Ông Lưu Hoàng Điểu, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng cho biết, ngoài Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp CNC Gia Phú đang triển khai dự án nhà màng NNS-9.6 trồng dưa lưới, cà chua được thiết kế theo tiêu chuẩn NGMA-1994 của Mỹ, trên địa bàn xã đã có gần 200 hộ dân tham gia sản xuất rau an toàn trong nhiều năm nay. Theo ông Điểu, hiện trung bình giá trị canh tác đạt 80 triệu đồng/ha/năm, trong khi trồng rau an toàn đạt 300 triệu đồng/ha/năm.
Bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Gia Ngay, xã Gia Phú cho biết, gia đình bà tham gia trồng rau an toàn nhiều năm nay. Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp… nên các giống rau, quả được trồng 4 mùa và bảo đảm sản lượng cũng như chất lượng. Theo bà Tâm, với 6.000m2 rau, màu các loại, mỗi năm cho thu nhập trên dưới vài trăm triệu đồng.
Đang say mê chăm sóc vườn cà chua nhót sắp cho thu hoạch, ông Nguyễn Văn Chiến, thôn Gia Ngay “khoe” với PV, các hộ ở thôn Gia Ngay hầu như đều tham gia trồng rau an toàn. Nhờ áp dụng đúng khoa học, kỹ thuật, sản phẩm bảo đảm an toàn, đầu ra ổn định, sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó nên nhà nào cũng có thu nhập khá. “Nhờ thu nhập tốt nên con em được học hành đến nơi, đến chốn, hiện có khoảng 70% con em trong thôn Gia Ngay thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng”, ông Chiến chia sẻ.
Cũng khá giả lên nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nghề chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình ông Nguyễn Văn Hương, thôn Xuân Lý, xã Gia Phú được coi là “cánh chim đầu đàn” trong ngành Chăn nuôi. Theo ông Hương, gia đình ông đã chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP được 5 năm nay. Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Hương được thiết kế theo dạng khép kín, nuôi lợn giống, cho sinh sản, nuôi vỗ béo và xuất chuồng. “Nhờ áp dụng tốt khoa học CNC vào chăn nuôi, nên các khâu đều ổn cả, mỗi năm gia đình xuất chuồng từ 60 - 70 tấn lợn thịt”, ông Hương cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, hiện trên địa bàn xã Gia Phú có dự án chăn nuôi lợn lớn đang được triển khai trên diện tích 2ha.
Bà Bùi Thị Hương, Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để bà con nông dân thực hiện đúng các quy trình chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng CNC, tiêu chuẩn VietGAP, Chi cục đã triển khai nhiều giải pháp như: Mở lớp tập huấn, phát tờ rơi… đặc biệt là thường xuyên cử cán bộ xuống các xã, phường trực tiếp hướng dẫn bà con ngay tại đầu bờ, đầu chuồng. “Nhờ áp dụng các giải pháp có hiệu quả, nên việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật cao vào chăn nuôi, trồng trọt của người dân ngày càng đạt hiệu quả cao”, bà Hương nói.
Theo ông Lưu Hoàng Điểu, nhờ việc chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Hiện thu nhập bình quân trong xã đạt 26,5 triệu đồng/người/năm. Về xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt 12/19 tiêu chí.
Ông Đỗ Văn Duy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau 2 năm thực hiện Đề án số 01 - Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được đầu tư thực hiện, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng CNC. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2017 đạt trên 6.160 tỷ đồng (tăng 676 tỷ đồng so với năm 2015), tốc độ tăng trưởng bình quân 6,06%.
Giá trị sản phẩm/1ha đất canh tác tăng mạnh, năm 2017 đạt 62,6 triệu đồng, tăng 28,48% so với năm trước. Tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2017 đạt 59.832 tấn; thủy sản phát triển mạnh, sản lượng cả năm đạt 6.900 tấn, tăng 21,09% so với năm trước.
Theo ông Duy, hiện toàn tỉnh đã có 1.230ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó có 282ha rau; trên 105ha hoa; 176ha dược liệu; 124ha cây ăn quả ôn đới; 60ha sản xuất lúa giống và 483ha chè. Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng dụng CNC đạt bình quân 230 triệu đồng/ha. Sản xuất theo hướng ứng dụng một phần CNC đạt 7.765ha, trong đó có 4.279ha cánh đồng một giống, ứng dụng canh tác lúa cải tiến - SRI; 438ha rau an toàn; 1.135ha chuối; 880ha dứa; 631ha cây ăn quả ôn đới và 402ha chè.
Về chăn nuôi, hiện toàn tỉnh đã có 7 cơ sở chăn nuôi lợn công nghiệp, CNC và gần 200 trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP; 127 trang trại chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp và 1 cơ sở sản xuất giống gia cầm khoảng 1 triệu con giống/năm.
“Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật cao vào chăn nuôi, trồng trọt, nên thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên, hiện đạt 17 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 - 6%/năm”, ông Duy nhấn mạnh.
Theo Trần Quý/thanhtra.com.vn