Dấu ấn khoa học và công nghệ trong đời sống năm 2016

Dấu ấn khoa học và công nghệ trong đời sống năm 2016
Trong năm qua, KH&CN đóng góp khoảng 30-40% vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, giữ vị trí then chốt trong sự phát triển của ngành y tế… Khoa học xã hội và nhân văn góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đường lối, chủ trương phát triển đất nước.


Vai trò đầu tiên và then chốt

 
Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 được Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trình bày tại hội nghị trực tuyến ngành KH&CN ngày 4/1 cho thấy, KH&CN giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự tăng trưởng nông nghiệp.
 
“Quan trọng nhất là khâu chọn tạo giống mới cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng thay thế giống nhập ngoại, giúp giảm tỷ lệ nhập khẩu giống từ 70% xuống chỉ còn 30%” - báo cáo chỉ rõ. “Các tiến bộ KH&CN đã đóng góp 30-40% vào sự tăng trưởng của ngành này. KH&CN ứng dụng trong nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với kim ngạch đạt 32,1 tỷ USD”.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến đánh giá: “Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người chỉ 2.000USD/năm nhưng kỹ thuật y khoa lại ngang tầm với các nước có thu nhập cao. Chúng ta là nước châu Á đầu tiên ứng dụng thành công phẫu thuật nội soi robot cho trẻ em cách đây 3 năm và vừa rồi đã ứng dụng thành công kỹ thuật này cho người lớn. Kỹ thuật nội soi chính xác không để lại sẹo do các nhà khoa học Việt Nam phát triển được bạn bè quốc tế gọi là “kỹ thuật doctor Lương”, được nhiều chuyên gia nước ngoài sang học hỏi”.
 
Bà Tiến cũng cho biết, năm 2016, Việt Nam đã sản xuất thành công vắcxin sởi - rubella, trở thành một trong 25 quốc gia và là nước thứ tư ở châu Á sản xuất được vắcxin này.
 
Mô hình nuôi cá chép giòn lồng trên sông Kinh Thầy, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Xuân Trường
Nói thêm về đóng góp của KH&CN đối với đời sống trong năm qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Với tinh thần quyết liệt và khẩn trương, Bộ KH&CN là nhân tố hạt nhân quan trọng trong Hội đồng KH&CN quốc gia để đánh giá chính xác nguyên nhân gây ra sự cố môi trường biển Hà Tĩnh”.
 
Phát triển khoa học xã hội và nhân văn
 
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) đang thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp các luận cứ khoa học, giúp các cơ quan chức năng hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. KHXH&NV đã đề xuất được những quan điểm, giải pháp mới về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030; đề xuất được tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa của Việt Nam; nghiên cứu một số vấn đề xã hội trong tình hình mới như định hướng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội…
 
Theo GS-TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận trung ương, một trong những thành tựu nổi bật nhất là công trình tổng kết 30 năm đổi mới với sự tham gia của 48 ban, ngành, bộ, các viện của cơ quan trung ương và 18 tỉnh, thành phố.
 
“Kết quả thu được đã góp phần xây dựng đường lối, chủ trương phát triển đất nước của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII. Các nội dung này cũng là cơ sở khoa học và thực tiễn cho công tác  chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cơ quan nhà nước trong thời điểm hiện nay” - GS Tấn nói.
 
 
Tuy nhiên, GS Tấn cũng lo lắng trước thực trạng KHXH&NV chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Ông bày tỏ: “Mục đích của KHXH&NV là góp phần vào sự hình thành và phát triển của con người - động lực, mục tiêu của xã hội; thế nhưng ở các trường đại học và viên nghiên cứu, nhân lực đầu vào ngày càng ít. Độ tuổi trưởng thành của các nhà khoa học trong lĩnh vực này thường rất cao. Tôi đề nghị tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý về KHXN&NV - từ khâu đặt hàng, đề xuất đề tài đến tổ chức thực hiện”.
Theo Loan Lê - Dung Trần/khoahocphattrien.vn