Đầu tư cho KHCN là đầu tư cho phát triển

Đầu tư cho KHCN là đầu tư cho phát triển
Ngày nay, các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều đã nhìn nhận, xác định đúng tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với sự phát triển KT-XH. Chính vì vậy, Nghị quyết số 20-NQ/TW mà Hội nghị T.Ư 6 (khóa XI) vừa ban hành về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình cao...

 

Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Ở tỉnh ta, những năm qua, ngành KH-CN đã nỗ lực trong việc du nhập, ứng dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển công nghiệp dịch vụ, tái cấu trúc nền kinh tế và quản lý hành chính - xã hội.

Đầu tư cho KHCN là đầu tư cho phát triển
Cán bộ Sở KH-CN hướng dẫn nhân dân xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh) ứng dụng năng lượng mặt trời vào chế biến nước mắm. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH-CN của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Việc đầu tư các dự án, ứng dụng các tiến bộ KHKT, các đề tài khoa học còn dàn trải, manh mún, chưa tập trung; các lĩnh vực, các sản phẩm chủ lực của tỉnh chưa ngang tầm; ứng dụng vào thực tế thấp, sức lan tỏa yếu. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là quản lý đo lường chất lượng và quản lý công nghệ. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu và tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trên địa bàn...

Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 BCH T.Ư Đảng (khóa XI) ra đời thực sự mở ra hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trao đổi với nhiều cán bộ, đảng viên và họ đều đồng tình cao khi nghị quyết khẳng định: phát triển và ứng dụng KH-CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc.

Theo một cán bộ lãnh đạo Sở Công thương, trong thời kỳ CNH-HĐH, chúng ta phải thực hiện đồng thời 2 quá trình là chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và nâng cao trình độ KH-CN của cả 2 lĩnh vực này. Việc nâng dần trình độ công nghệ và kỹ thuật của nền kinh tế phải được thực hiện đồng thời bằng 2 quá trình. Thứ nhất, nâng dần trình độ công nghệ và kỹ thuật của các ngành sản xuất đã có để phá vỡ trạng thái dừng của các ngành này, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng và thu nhập lao động. Thứ hai, chuyển dịch dần cơ cấu sản xuất sang các ngành có trình độ KH-CN và giá trị gia tăng cao hơn.

Khẩn trương đưa Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ 6 BCH T.Ư Đảng (khóa XI) vào cuộc sống, từ đầu năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở KH-CN và gần đây đã phê duyệt chương trình hành động của UBND tỉnh nhằm thực hiện thành công nghị quyết. Theo đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu các cấp, ngành triển khai có hiệu quả chương trình hành động, nhận thức vai trò “cực kỳ then chốt” của KH-CN, là động lực phát triển KT-XH; phát triển KH-CN là yêu cầu cấp thiết đối với từng ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.

Toàn tỉnh tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển KH-CN cả về chất và lượng, đảm bảo mở rộng và nâng cao quy mô sản xuất, tạo mũi đột phá, khai thác tiềm năng và lợi thế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong tình hình mới; tích cực đổi mới thiết bị công nghệ, trong đó tập trung phát triển công nghệ sinh học, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, công nghệ sản xuất vật liệu mới; gắn kết chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, thúc đẩy dịch vụ phát triển nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa...; phấn đấu đến năm 2015, Hà Tĩnh trở thành trung tâm công nghệ sinh học mạnh của khu vực Bắc Trung bộ và đến năm 2020, trở thành trung tâm KH-CN mạnh của khu vực với đủ các lĩnh vực.

Để đạt được mục tiêu đó, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư, đẩy mạnh hội nhập và mở rộng hợp tác với các cơ quan bộ, ngành, viện, trường, tỉnh bạn, các nước trong khu vực và tổ chức quốc tế nhằm tạo môi trường và thị trường KH-CN phát triển, thực hiện tốt xã hội hóa về KH-CN, đồng thời tăng cường đầu tư các nguồn lực con người, phương tiện, cơ sở vật chất cho KH-CN; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức KH-CN của tỉnh gắn với chính sách thu hút, trọng dụng nhân tàiii nhằm phát triển nhanh, mạnh đội ngũ cán bộ khoa học, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm tới.

Đầu tư cho KH-CN là đầu tư cho phát triển. Tỉnh ta tuy trình độ phát triển chưa cao nhưng tiềm năng trí tuệ của con người Hà Tĩnh không thua kém các địa phương khác. Với tiềm năng trí tuệ, tinh thần sáng tạo và quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, bằng nhiều giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường năng lực KH-CN, Hà Tĩnh nhất định sẽ thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH, vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuấn Hiển
Theo baohatinh.vn