Đầu tư công nghệ để tối đa hóa lợi nhuận

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh giúp doanh nhiệp nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và gia tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit nhìn nhận, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, do đó công nghệ sinh học ứng dụng là rất quan trọng. Chính vì thế, Vinamit luôn hướng đến những giải pháp tối ưu cho nông nghiệp, nghiên cứu công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ sấy đông khô và đặc biệt 5 năm gần đây, công ty nghiên cứu rất kỹ về ứng dụng công nghệ sinh học.

Sữa chua đông khô là sản phẩm chủ lực trong năm 2018 được sản xuất trên tinh thần sáng tạo, đang được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Việc ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ sấy đông khô tạo ra sự độc đáo, nổi bật của sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

 

Việt Nam cần quan tâm đến công nghệ sinh học, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Ở lĩnh vực khác, dù quy mô nhỏ hơn nhưng công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế ICC cũng mạnh dạn đổi mới máy móc thiết bị, song song với đầu tư hệ thống quản lý có thể nắm được tình hình sản xuất hằng ngày từ khâu đưa nguyên liệu vào đến khi sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, công ty cũng tạo ra một ứng dụng kết nối với đối tác phân phối hay nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, tiết kiệm được nhiều giấy tờ và thời gian.

Nhờ đó những thông tin thị trường được phản hồi nhanh cho bộ phận sản xuất, giúp cho hoạt động sản xuất và kinh doanh phối hợp nhịp nhàng, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt doanh số 250 triệu USD/năm và sẽ tăng năng lực lên gấp 5 lần hiện nay.

 Tương tự, CTCP công nghiệp và thiết bị chiếu sáng Duhal đã xem công nghệ là giá trị cốt lõi để tăng trưởng. Ông Huỳnh Dũng Sáng, Phó Tổng giám đốc kinh doanh cho biết, công ty đầu tư chiều sâu về công nghệ, liên tục cập nhật cải tiến và sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển sâu rộng hơn nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Trong 3 năm qua, công ty đã đầu tư 30 triệu USD cho 2 nhà máy ở Tiền Giang và Bến Tre. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất từ năm 2010 nên Duhal có khá nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo, triển khai và ứng dụng công nghệ trong các chuỗi sản xuất, chi phí sản xuất giảm. Chính vì thế công ty đã tăng trưởng liên tục. Doanh thu năm 2017 đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng xuất khẩu chiếm 30%. Duhal là đối tác chiến lược của tập đoàn Samsung Hàn Quốc.

 

Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời đại công nghệ kỹ thuật cao, Việt Nam cần phải quan tâm đến công nghệ sinh học, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khi kết hợp nhiều công nghệ mới, sản phẩm mang tính độc đáo đột phá, mới có sức hấp dẫn người tiêu dùng, từ đó giúp DN gia tăng doanh thu, lợi nhuận.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, các DN nhỏ của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra trên toàn cầu. Tốc độ phát triển công nghệ kỹ thuật hay công nghệ thông tin đưa vào quản lý sản xuất, kinh doanh đều đang rất nhanh, nếu không chuyển biến, DN sẽ không thể phát triển.

Ông Lê Đình Phong, tiến sĩ Robotics và tự động hóa, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, xu hướng tùy biến cá nhân trong việc tạo ra sản phẩm đang ngày một gia tăng. Các nhà máy truyền thống không thể thực hiện được điều đó, ngay cả những dây chuyền có mức độ tự động hóa cao cũng chỉ có thể cho ra đời từng lô hàng theo kế hoạch đã định sẵn.

Từ những nhu cầu ấy, kiểu nhà máy thông minh ra đời với hệ thống linh hoạt có thể tự phân tích, tối ưu hóa hiệu suất trên một mạng lưới rộng lớn hơn, tự thích nghi và học hỏi những điều kiện mới từ thực tế và tự động chạy toàn bộ quá trình sản xuất.

Thực tế, nền sản xuất công, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến tự động hóa toàn bộ. Vì vậy, để đạt được trình độ sản xuất tiên tiến của nhà máy thông minh, đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và quan trọng nhất là con người.

 
 
Theo Thời báo Ngân hàng