Đẩy mạnh áp dụng VietGAP

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm nay sẽ áp dụng quy trình sản xuất VietGAP rộng rãi hơn trong thâm canh cây ăn quả, mục tiêu tới năm 2020 sẽ có ít nhất 20% sản lượng quả đưa ra thị trường được cấp chứng nhận sản phẩm an toàn.
Đẩy mạnh áp dụng VietGAP

 

Sản phẩm rau của hợp tác xã (HTX) Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhãn xanh. Việc này được bắt đầu từ năm 2010, khi đó HTX Yên Mỹ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là mô hình thí điểm triển khai dự án “Kết nối sản xuất và phân phối, tiêu thụ nông sản VietGAP nhãn xanh (dự án FAPQDCP)”, với sự tham gia tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA).

Đến ngày 9-1-2013, HTX Yên Mỹ đã được cấp chứng nhận VietGAP nhãn xanh, do đó trên bao bì 5 loại rau an toàn của Yên Mỹ là ngọn bí, súp lơ, su hào, cải bắp và cà chua sẽ được dán nhãn VietGAP nhãn xanh để nhận diện.

Trung bình mỗi ngày HTX Yên Mỹ tiêu thụ được 1 tấn rau, đem lại nguồn thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng/sào/vụ cho người nông dân.

Cùng với HTX Yên Mỹ, HTX Hoằng Hợp và HTX Quảng Thắng ở thành phố Thanh Hóa cũng được chọn thí điểm triển khai dự án.

Đến nay, thương hiệu rau của HTX Hoằng Hợp đã bắt đầu được xây dựng, được người tiêu dùng trong toàn tỉnh biết đến. Mỗi ngày HTX cung ứng từ 1- 1,5 tấn rau cho địa bàn thành phố Thanh Hóa, thu nhập của người nông dân tăng từ 15- 20% so với trước đây.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng chất lượng 2, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho hay, VietGAP nhãn xanh được hiểu là một sản phẩm đảm bảo được cả tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

Đến nay, đã có 12 mô hình chuỗi sản xuất – phân phối ngành hàng rau, trái cây an toàn được chứng nhận VietGAP nhãn xanh ở Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bắc Giang và Tiền Giang; 11 mô hình chăn nuôi heo, gà an toàn đượcchứng nhận VietGAP nhãn xanh.

Theo chinhphu.vn