Đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cam, bưởi

Đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cam, bưởi
Những năm gần đây, Hà Tĩnh đẩy mạnh phong trào phát triển cây ăn quả có múi, đây được xem là hướng đi phù hợp để phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu trên vùng đất khó. Diện tích cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh đang tăng nhanh, sản phẩm được thị trường ưa chuộng là nhờ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho các vùng thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp. Theo khảo sát, trong tổng diện tích cây ăn quả có múi tập trung chủ yếu tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc, trong đó có hơn 80% là vườn đồi, đất lâm nghiệp. Đặc biệt, những năm gần đây, người làm vườn đã biết kết hợp kinh nghiệm với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, cơ giới hóa sản xuất và tham gia đào tạo, tập huấn nên đã tạo ra được nhiều chuyển biến tích cực về nhiều mặt...

Huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc là những huyện có quỹ đất nông nghiệp lớn nên chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng cây ăn quả có múi nói riêng. Tuy nhiên, địa hình gò đồi nhiều, khí hậu khô nóng nguồn nước khan hiếm, rất khó khăn trong việc cung cấp nước cho cây trồng, việc sử dụng nguồn nước mặt ở đây là rất khó khăn. Biện pháp tưới được các địa phương áp dụng cho các loại cây ăn quả này là kỹ thuật tưới rãnh thông thường rất lãng phí nước và tốn tiền điện bơm nước. Do vậy mà việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, một công nghệ tưới hiện đại cho cây ăn quả có múi có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương hơn. Cùng với quá trình xây dựng  nông thôn mới, các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác đã tăng đáng kể. Trong đó mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel được nhiều người dân áp dụng trong phát triển trang trại, gia trại, nhờ đó sức lao động giảm, hiệu quả công việc cũng như năng suất, chất lượng cây trồng tăng cao.
 
Hệ thống tưới nhỏ giọt cho bưởi
 
Năm 2016, được sự hỗ trợ của ngân hàng BIDV, Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cho 15ha bưởi Phúc Trạch và cam Chanh. Với thiết kế gồm có hệ thống cấp nước bằng động lực lấy nước từ giếng khoan, nước sau khi bơm lên được lọc bởi bộ lọc qua hệ thống ống chính, ống nhánh, ống tưới có các vòi nhỏ giọt cung cấp nước cho cây. Ống nhánh được bố trí chạy dọc theo hàng cây và các ống tưới được đặt vòng quanh gốc. Vòi nhỏ giọt được gắn trực tiếp vào bên trong ống tưới là loại vòi có cấu tạo đặc biệt với 2 lỗ nhỏ giọt, khi một trong hai lỗ bị tắc, lỗ còn lại sẽ tự động chảy. Chi phí cho hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả có múi bao gồm chi phí xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống tưới, mặc dù chi phí xây dựng ban đầu cao hơn so với phương pháp tưới rãnh truyền thống. Tuy nhiên, khi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt lại sử dụng thời gian lâu dài, tiết kiệm sức lao động cũng như giúp cho cây đạt năng suất cao hơn. Khi chưa sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm năng suất cam đạt 23,8 tấn/ha nhưng từ khi áp dụng hệ thống tưới này năng suất cam đạt hơn 35,4 tấn/ha, màu sắc quả cam cũng đẹp hơn, chất lượng quả cũng được nâng lên. Bên cạnh đó còn tiết kiệm được nhân công lại tiết kiệm được thời gian, lượng nước, phân bón và nước, phân bón được phân bố hợp lý hơn.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năm 2017 - 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục triển khai mô hình tưới nhỏ giọt trên cây cam trồng mới và cam thâm canh tại các xã Nam Hương huyện Thạch Hà, xã Mỹ Lộc, Đồng Lộc, Thường Nga huyện Can Lộc, xã Hương Đô, Lộc Yên huyện Hương Khê với quy mô 6ha tại 6 điểm trình diễn. Công nghệ tưới nhỏ giọt này đã giúp các hộ dân kiểm soát được độ ẩm và chủ động thời điểm tưới cho cây cam, tiết kiệm được 50% lượng nước, 80% công tưới so với tưới trực tiếp gốc như trước đây, 90% công bón, 50% lượng phân vô cơ cần bón cho cây cam. Bên cạnh đó hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp người trồng cam hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây.

          Chị Nguyễn Thanh Huyền ở xã Lộc Yên huyện Hương Khê, một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Sau khi lắp đặt và vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt, vườn cam gia đình tôi phát triển đều, khỏe, ít nấm bệnh, lá cam xanh và dày hơn trước, so với các vườn cam khác của các hộ lân cận thì vườn cam gia đình tôi có sự phát triển nổi trội hơn, các quả cam đều và đẹp hơn.

Chính từ hiệu quả thiết thực đó mà các mô hình trình diễn do Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh thực hiện đã trở thành điểm tham quan của các hộ dân trong vùng và nhân ra diện rộng. Từ chỗ chỉ có vài hộ tham gia ban đầu thì nay đã có đến vài chục hộ trong vùng đầu tư áp dụng công nghệ này, cùng với các nguồn hỗ trợ khác đã nâng tổng diện tích cây ăn quả có múi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt lên 150ha.

Kết quả việc triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất cây ăn có múi đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế, góp phần tác động tích cực, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân trên địa bàn, đồng thời, gián tiếp góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Và một điều quan trọng hơn cả, người nông dân đã nhận thấy những ưu điểm của việc áp dụng khoa học công nghệvà sử dụng hiệu quả vào sản xuất, trở thành tập quán sản xuất của đông đảo nông dân địa phương. Bức tranh về bộ mặt nông thôn đã tươi tắn và giàu sức sống hơn, cuộc sống người nông dân đã đủ đầy hơn trước rất nhiều nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ đó đưa nền nông nghiệp Hà Tĩnhvươn lên hội nhập với thế giới, tập trung phát triển các sản phẩm có thế mạnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.
 
Theo Đặng Thị Thuận/sonongnghiep.hatinh.gov.vn