Đề tài “Bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống” ở Phú Yên: Người dân được lợi, nguồn lợi được bảo vệ

Đề tài “Bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống” ở Phú Yên: Người dân được lợi, nguồn lợi được bảo vệ
Từ lâu, ngư dân Phú Yên đã phát triển nghề khai thác tôm hùm giống để cung cấp cho người nuôi. Tuy nhiên, do nhu cầu con giống ngày càng tăng, cộng với việc khai thác quá mức nên nguồn lợi thủy sản này đang bị suy giảm.

Vùng nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu.

Việc khai thác tôm hùm giống ven biển Phú Yên chủ yếu được bà con tiến hành bằng các phương pháp truyền thống như lặn bắt, đặt chà, lưới mành. Thời vụ khai thác hầu như quanh năm.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, tôm hùm giống thường tập trung nhiều ở vùng biển các xã Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) và An Hòa, An Hải, An Chấn (Tuy An), Hòa Xuân Nam (Đông Hòa), với sản lượng từ 1,5-2 triệu con tôm hùm giống/năm.

Ông Nguyễn Trọng, người dân xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu) cho biết: “Nghề khai thác tôm hùm giống có ở Xuân Thịnh gần 20 năm nay. Đến nay, toàn xã có hơn trăm hộ theo nghề. Ban đầu người ta lặn bắt, đặt bẫy, sau đó khai thác bằng mành tôm. Tuy nhiên, do khai thác quá mức và ảnh hưởng của thời tiết nên lượng tôm hùm giống ngày càng ít, không đủ để cung cấp cho người nuôi trong vùng khiến bà con phải tìm mua từ các tỉnh khác, chất lượng giống không đảm bảo”.

Nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm tôm hùm giống, năm 2010, tỉnh Phú Yên đã chấp thuận cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III khảo sát, triển khai đề tài “Bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống” tại vùng biển Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) và An Chấn (huyện Tuy An).

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND xã An Chấn cho biết: Mục đích bảo vệ tôm hùm giống là giảm áp lực khai thác, duy trì nguồn lợi tôm hùm giống, hướng đến khai thác và sử dụng nguồn lợi bền vững. Theo đó, người dân trong xã đã tham gia xây dựng cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản này. Sau 2 năm thực hiện đề tài, lượng tôm hùm giống ngư dân khai thác được tăng khoảng 1,5 lần so với trước; một số loài san hô và rong biển phát triển tốt hơn, độ phủ của san hô mềm tăng 6%, cỏ biển tăng 10%.

Ông Đào Tứ Xuyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên đánh giá: “Điều đáng ghi nhận là ý thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống ở khu vực triển khai đề tài được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, sau khi đề tài này kết thúc, nếu không bàn giao lại cho địa phương quản lý và tiếp tục triển khai thì nguồn lợi tôm hùm giống trong tự nhiên vẫn sẽ cạn kiệt. Sở khuyến khích các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống một cách bền vững; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh cho phép tiếp tục triển khai đề tài này”.

Theo TS. Thái Ngọc Chiến, Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội địa và ven bờ (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III), chủ nhiệm đề tài, người dân không nên khai thác tôm bố mẹ vào mùa sinh sản, hạn chế khai thác tôm hùm giống quá nhỏ (tôm trắng), kích thước khai thác phải đạt 3-4cm chiều dài; đầu tư nuôi cấy san hô để tạo những rạn sinh cảnh nhằm thu hút tôm, cá đến trú ngụ và sinh sản. Chính quyền địa phương cần giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác có chọn lọc và trách nhiệm; hỗ trợ bà con chuyển đổi từ khai thác tự do sang khai thác có tổ chức để quản lý chặt chẽ nguồn lợi thủy hải sản...

Minh Tuấn

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn