Ðẩy mạnh ứng dụng KHCN trong nông nghiệp

Những năm qua, nhờ đưa nhiều giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào các khâu canh tác và sau thu hoạch cho nên giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp liên tục tăng, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu, sức cạnh tranh.

 Hái chè bằng máy giúp tăng năng suất lao động, giảm nhân công và chi phí sản xuất.
Hái chè bằng máy giúp tăng năng suất lao động, giảm nhân công và chi phí sản xuất.
 
Những năm qua, nhờ đưa nhiều giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào các khâu canh tác và sau thu hoạch cho nên giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp liên tục tăng, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu, sức cạnh tranh.
 
Thành công này đã khẳng định khoa học công nghệ (KHCN) là một mắt xích không thể tách rời trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản.
 
Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Thái Bình, Nam Ðịnh
 
Ði đầu trong phong trào ứng dụng KHCN trong những năm qua phải kể đến tỉnh Thái Bình. Ðây vốn là địa danh nức tiếng cả nước về nâng cao năng suất lúa những năm đầu miền bắc xây dựng CNXH. "Chị hai năm tấn" đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Thái Bình mà còn khẳng định tư duy làm ăn khoa học đã góp phần làm nên những kỳ tích trong trồng lúa nước. Phát huy những giá trị truyền thống, Thái Bình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) chọn là một trong các tỉnh thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn từ vụ xuân năm 2012, với diện tích gieo cấy giống lúa thơm RVT lên đến 100 ha tại hai xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư) và Vũ Hòa (huyện Kiến Xương).
 
Ban đầu, dự án đã vấp phải không ít khó khăn từ những hộ dân có ruộng nằm trong diện tích cánh đồng mẫu lớn. Với họ, những ký ức về thời kỳ HTX làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu không dễ gì thay đổi được. Nhưng rồi, những bông lúa vàng trĩu hạt, những cánh đồng trải rộng mênh mông không có hiện tượng xôi đỗ đã xóa tan sự hồ nghi ban đầu. Giống lúa thơm RVT cho năng suất đạt 63,2 tạ/ha, góp phần đưa lợi nhuận của nông dân tham gia mô hình tăng hơn chín triệu đồng/ha.
 
Những thành công bước đầu đã khẳng định chủ trương triển khai cánh đồng mẫu lớn là hoàn toàn đúng đắn. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Thái Bình Nguyễn Hữu Rong, cho biết: Cánh đồng hơn 50 ha gieo cấy đồng loạt được một giống, một trà, không "xôi đỗ" là một sự cố gắng trong tổ chức, tuyên truyền, vận động bài bản. Chỉ có hiệu quả, lợi nhuận cao nhờ việc chỉ đạo và áp dụng đồng loạt các tiến bộ kỹ thuật mới thuyết phục được gần 400 hộ nông dân như vậy. Ðó cũng chính là mục tiêu mà cánh đồng mẫu lớn hướng tới. Còn Trưởng phòng NN và PTNT huyện Thái Thụy Ðỗ Ðức Viện khẳng định thêm rằng: Thái Thụy tuy không nằm trong dự án, nhưng hai mô hình lúa thơm RVT ở Thái Thụy đẹp và hiệu quả cao không kém Nguyên Xá, cùng với giống lúa thơm RVT là BT7 và T10 cho chất lượng gạo ngon, thơm, dẻo và vị đậm... Các giống lúa cơ bản đã giải quyết được tình trạng kháng sâu bệnh, thích nghi điều kiện khí hậu, năng suất cao đồng thời những ưu điểm vượt trội của lúa thơm RVT cũng là lý do để RVT tham dự hầu hết vào các cánh đồng mẫu lớn của Thái Bình. Không chỉ dừng lại ở diện tích thí điểm 100 ha, đến nay, trên thực tế diện tích cánh đồng mẫu lớn tại Thái Bình đã được mở rộng lên đến một nghìn ha, ở cả những điểm không nằm trong đề án.
 
Mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm áp dụng triệt để KHCN còn được triển khai tại tỉnh Nam Ðịnh. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2012, tỉnh đã tập huấn cho 3.715 nông dân về kỹ thuật thâm canh lúa áp dụng VietGap tại 12 mô hình với diện tích gieo cấy đạt gần 600 ha trong đó có tám mô hình áp dụng sạ hàng, hai mô hình cấy và hai mô hình hỗn hợp. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT còn tích cực hỗ trợ bà con mua máy làm đất, điển hình như huyện Nam Trực hỗ trợ bà con mua 250 công cụ sạ hàng.
 
Ðến cây chè Thái Nguyên
 
KHCN không chỉ tham gia tích cực trong sản xuất lúa gạo mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề sản xuất trong đó có ngành chè. Dự án khuyến nông xây dựng mô hình "Tổ hợp tác áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất chè" do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên kết hợp Trạm Khuyến nông huyện Ðịnh Hóa đã tiến hành tập huấn kỹ thuật cho 12 hộ dân xã Sơn Phú và trang bị ba loại máy làm chè (máy đốn, máy hái và máy phun thuốc). Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè xã Sơn Phú Nguyễn Tiến Hành cho biết, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư  để mua một bộ máy cơ giới hóa trị giá vài chục triệu đồng để tham gia dự án. Sau một năm sử dụng, các máy cơ giới đi khắp các nương chè từ xã đến huyện rồi ra cả các huyện khác của tỉnh, thậm chí sang cả tỉnh Tuyên Quang trình diễn và làm thuê, với máy hái chè thì cứ mỗi giờ hái một tạ chè tươi, nhân với giá 3.000 đồng/kg thì ông đã có mức thu nhập 300 nghìn đồng/giờ. Còn ông Vũ Văn Quang (xóm Vũ Quý, xã Sơn Phú) thì so sánh, gia đình ông có sáu sào chè. Khi chưa có máy thì ông phải thuê khoảng 20 người hái trong ba ngày. Có máy thì chỉ hai vợ chồng ông hái trong nửa ngày đã xong. Ðáng nói là việc thuê người hái thì phải chi trả khoảng gần hai triệu đồng cho mỗi lứa chè. Ngược lại, đối với việc hái bằng máy thì vợ chồng ông chỉ phải bỏ ra nửa lít xăng trong nửa ngày chạy máy, tương đương hơn 10 nghìn đồng. Tương tự, đối với máy đốn chè, nếu đốn thủ công tạo tán thì một người sẽ đốn được khoảng nửa sào/ngày, trong khi đó, máy cơ giới nhỏ đốn chè sẽ đốn được khoảng một mẫu/ngày. Máy phun thuốc trừ sâu cũng cho năng suất lao động rất cao. Có thể nói, hiệu suất công việc của các máy cơ giới hóa sẽ gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với lao động thủ công và điều quan trọng hơn là làm bằng máy thì người  sản xuất chè đầu tư ít hơn rất nhiều so với làm thủ công.
 
Khẳng định vai trò của KHCN
 
Ðể có thành công trên những cánh đồng mẫu lớn tại tỉnh Thái Bình, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương đã đăng ký độc quyền và tổ chức sản xuất giống lúa thơm RVT tại tỉnh Thái Bình. Công ty cũng chính là DN bao tiêu sản phẩm lúa giống cho các hộ tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn. Do đó,  toàn bộ quá trình sản xuất được chỉ đạo thống nhất về lịch thời vụ, gieo, cấy, bón thúc, phun phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn với nguyên tắc bốn đúng và hiệu quả, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật cũng  được hướng dẫn thu gom vào các bể, các lò đốt để tiêu hủy với sự tài trợ của Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang... Quy trình sản xuất khép kín này không chỉ tăng thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần bảo đảm môi trường phát triển bền vững.
 
 Những thành công bước đầu việc đưa KHCN vào sản xuất  thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, đồng thời làm thay đổi căn bản tập quán canh tác của người dân, tiến đến sự chuyên nghiệp bắt đầu từ khâu giống, đến quy trình sản xuất và cung  ứng sản phẩm ra thị trường.
 
Ông Nguyễn Như So, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco, một trong những đơn vị đi đầu trong chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân đã cho chúng tôi biết về những bí quyết đưa Dabaco trở thành tập đoàn lớn mạnh, chiếm thị phần trong phân khúc tiêu dùng chính ở sự mạnh dạn đầu tư dây chuyền khép kín, với chất lượng châu Âu, tạo thành vành đai an toàn thực phẩm, từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, đến khâu tiêu thụ sản phẩm phục vụ tiêu dùng.
 
Nhờ sự mạnh dạn trong đầu tư kinh doanh, chọn hướng đi đúng, cho nên quy mô sản xuất của Dabaco ngày một phát triển lớn mạnh và trở thành điểm đến học tập kinh nghiệm của nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng. Ðến thăm trang trại chăn nuôi của anh Lê Ðắc Vinh xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, với quy mô đàn lợn hơn hai nghìn con mới thấy hết lợi ích từ mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Anh Vinh cho biết: Trang trại của anh được Dabaco đầu tư KHCN, con giống, thức ăn... cũng như đầu ra cho đàn lợn mà không cần phải có bất kỳ một hồ sơ nào, cho nên những người chủ như anh cảm thấy rất yên tâm.
 
 Mối liên kết này đã đem đến cho gia đình anh khoản thu nhập 500 triệu đồng/ năm sau khi đã trừ các khoản chi phí. Dabaco ký hợp đồng với trang trại của anh 5 năm liền. Hiện, gia đình anh có hai trang trại với bảy nhân viên, mức lương khoảng 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng.
 
Nhân rộng những điểm sáng trong ứng dụng KHCN, giải phóng sức lao động, hình thành nên quy trình sản xuất khép kín nhờ sự hỗ trợ của KHCN không phải là những điều quá mới mẻ đối với nền kinh tế cũng như người dân Việt Nam, song  ở một góc độ nào đó, KHCN vẫn chưa được đánh giá một cách thỏa đáng để có thể đem lại nguồn lợi lớn nhất cho người nông dân. Chính sự thiếu đồng bộ trong sản xuất, sự đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm thời gian qua đã góp phần kìm nén sự phát triển của KHCN dẫn đến những thua thiệt cho người nông dân. Hơn lúc nào hết, để nhân rộng hơn nữa những điểm sáng trong ứng dụng KHCN, ngoài đầu tư thỏa đáng cho nhà khoa học, chúng ta cần hỗ trợ nông dân về vốn, trang bị cho họ kiến thức, đồng thời hoàn thiện mục tiêu trước mắt là cải thiện nhanh chóng phương pháp, giá trị sản xuất nông sản, hướng dẫn cho toàn dân quy định gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đóng gói, quảng bá, phân phối...
Theo Báo Nhân Dân điện tử