Đưa ứng dụng công nghệ mới đến tận tay nông dân

Đưa ứng dụng công nghệ mới đến tận tay nông dân
Những hộ chăn nuôi bò không còn phải chịu đựng mùi hôi của chất thải vật nuôi, các bệnh viện (BV) tiết kiệm được hàng tỷ đồng khi xử lý nguồn nước thải trong công đoạn khử khuẩn trước khi thải ra môi trường…
Đây là những lợi ích khi ứng dụng công nghệ diệt khuẩn mới do Trung tâm Vật liệu mới thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) Hà Nội nghiên cứu thành công.
Nghiên cứu vì cộng đồng
Trước thực trạng môi trường sống đang bị đe dọa từ việc sử dụng tràn lan các loại hóa chất độc hại trong sản xuất, tẩy rửa…, các nhà khoa học tại Trung tâm Vật liệu mới thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội quyết tâm phải tìm ra vật liệu mới thay thế các hoạt chất độc hại dùng trong việc khử trùng. Miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm từ năm 2011, cuối cùng, KS Bùi Công Khê - Giám đốc Trung tâm cùng các cộng sự đã tìm ra một dạng chất xử lý ô nhiễm môi trường, diệt khuẩn mới hoàn toàn không gây độc như các phương pháp truyền thống. Với chế phẩm polyme diệt khuẩn AD và bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv có hoạt tính sinh học cao, công nghệ diệt khuẩn mới lần đầu tiên được nghiên cứu thành công tại Việt Nam giúp giảm mùi hôi thối của rác thải và nước thải.
Tổ công tác do Hiệp hội Làng nghề xã Phù Đổng thành lập đang phun chế phẩm sinh học diệt khuẩn cho các hộ chăn nuôi bò. Ảnh: Vũ Lê
Tổ công tác do Hiệp hội Làng nghề xã Phù Đổng thành lập đang phun chế phẩm sinh học diệt khuẩn cho các hộ chăn nuôi bò. Ảnh: Vũ Lê
Sau khi nghiên cứu thành công, Trung tâm đã triển khai thực nghiệm tại 4 BV thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trên 3 lĩnh vực: Phun phòng dịch, xử lý diệt khuẩn phòng điều trị bệnh nhân; Xử lý diệt khuẩn, ngâm và tẩy rửa dụng cụ y tế nhiễm khuẩn, phương tiện chăm sóc bệnh nhân; Xử lý nguồn nước thải BV trong công đoạn khử khuẩn trước khi thải ra môi trường. Kết quả thực nghiệm cho thấy, biện pháp này vừa hiệu quả, vừa có thể tiết kiệm từ 5 – 10 tỷ đồng. Với nguyên lý dòng tự chảy nhỏ giọt trôi theo và hòa chung nguồn nước thải, các BV không phải xây mới hệ thống xử lý, mà có thể áp dụng ngay trên hệ thống đã có; đồng thời tiết kiệm được khoản ngân sách không nhỏ. Điều đáng nói là, dù áp dụng với hệ thống có sẵn nhưng vẫn đảm bảo ổn định chất lượng nước thải BV theo Quy chuẩn Việt Nam từ loại B trở lên.
Chia sẻ về thành công trong quá trình thực nghiệm, KS Bùi Công Khê - Chủ nhiệm đề tài cho biết: Bộ KH&CN, Bộ Y tế và các địa phương đã có đánh giá cao về tính thực tiễn của đề tài và sản phẩm đang được thương mại hóa nhằm cung cấp cho thị trường cả nước..
Đưa khoa học đến với nông dân
Ngoài hiệu quả về mặt công nghệ, chế phẩm mới này còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam. Chính vì thế, năm 2014, ngay khi đề tài được ứng dụng, Hội Làm vườn TP Hà Nội đã phối hợp cùng Trung tâm để đưa về xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm cùng một số địa phương có nhiều hộ dân chăn nuôi bò ở huyện Quốc Oai, Sóc Sơn…
Ông Đặng Thế Quân - Chủ tịch HĐND xã Phù Đổng cho biết, hiện xã có 800 hộ dân chăn nuôi với gần 2.000 con bò sữa, lượng phân bò thải ra lên tới 25 – 30 tấn/ngày. Do đàn bò quy mô lớn, lại chăn nuôi cá thể, nằm trong khu dân cư đông đúc nên ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề nhức nhối tại Phù Đổng. Sau khi áp dụng phương pháp diệt khuẩn mới, vấn đề đau đầu nhất của xã đã được giải quyết. Từ kết quả sử dụng thử nghiệm của 40 hộ dân ban đầu, xã đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, đánh giá tính ưu việt của chế phẩm, đồng thời đề xuất phương thức thực hiện mang tính tập trung cao.
Anh Nguyễn Văn Lực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề xã Phù Đổng, đồng thời là chủ hộ chăn nuôi bò sữa cho biết: Trước đây, gia đình nuôi 4 con bò sữa, lượng chất thải hàng ngày khá lớn, ngay cả những người trong nhà cũng không chịu nổi mùi hôi thối. Tuy nhiên, sau khi dùng chế phẩm diệt khuẩn mới loại nước (MEDIPAG-20MT) và loại bột hòa tan (BIOAKTIV-CN), không khí ở chuồng nuôi và khu vực xung quanh hết mùi khó chịu, sạch hơn. Sau một thời gian sử dụng, loại bột hòa tan có ưu điểm hơn, vì vừa phun lên bò vừa có thể pha trực tiếp vào thức ăn, nguồn nước, nhất là không hao hụt khí Biogas như dạng nước.
Theo anh Lực, “các hộ chăn nuôi xung quanh rất hài lòng với phương pháp diệt khuẩn của bác Khê” vì nó không gây hại tới sức khỏe của người và đàn bò, giúp đàn bò phát triển tốt và chất lượng sữa tăng cao. “Chúng tôi hy vọng các nhà chuyên môn đưa phương pháp này sử dụng rộng rãi, đại trà cho tất cả các hộ nông dân” - anh Lực bày tỏ mong muốn.
Tuy nhiên, do mới được thử nghiệm trên quy mô nhỏ nên tính hiệu quả của phương pháp này chưa bền vững. Nhằm khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Bá Ngơi - Chủ tịch Hội Làng nghề làm vườn SVC và trang trại Phù Đổng cho biết, Hội đã thành lập ra một tổ công tác bàn với các hộ chăn nuôi bò sữa và các hộ dân khác, mỗi tháng đóng một khoản phí nhất định để mua chế phẩm. Tổ công tác này sẽ đi phun thuốc định kỳ theo chỉ dẫn vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa tiết kiệm cho các hộ dân.
Có thể nói mô hình xử lý ô nhiễm môi trường dùng chế phẩm sinh học tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm là một điển hình cần nhân rộng. Đây là bằng chứng rõ nhất về việc đưa ứng dụng KHCN đến tận tay người nông dân, đưa những thành quả của các nhà KH nhanh chóng từ phòng thí nghiệm đi vào cuộc sống thực tiễn, phát huy hiệu quả vì cộng đồng.
Nguyễn Văn Khương
Trường Quản lý KH&CN, Bộ KH&CN
nguồn: ktdt.vn