Dùng bọ đuôi kiềm phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa
- Thứ năm - 13/06/2013 20:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo thống kê, Bình Định có khoảng 10.000ha dừa với trên 1,5 triệu cây, tập trung tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ. Cây dừa không những giúp nông dân thu lợi từ việc hái quả, mà những sản phẩm khác của dừa còn phục vụ cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, góp phần phủ xanh những dải cát ven biển, tạo cảnh quan môi trường, làm rừng phòng hộ chắn gió… Tuy nhiên, mấy năm gần đây, cây dừa liên tục bị bọ cánh cứng tấn công, gây hại, làm ảnh hưởng đến năng suất.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh tiến hành nuôi cấy ong ký sinh vào bọ cánh cứng, tạo thành loại thiên địch nhằm tiêu diệt bọ cánh cứng và chuyển giao ong ký sinh cho nông dân; chính quyền các địa phương cũng thành lập ban chỉ đạo, đồng thời tổ chức tháng đồng loạt ra quân phòng trừ bọ cánh cứng. Và chỉ trong tháng đồng loạt ra quân, bà con đã cứu được gần 300.000 cây dừa bị bọ cánh cứng gây hại.
Tuy vậy, Bình Định là khu vực nắng nóng, trong khi đó, ong ký sinh chỉ sinh trưởng trong điều kiện khí hậu ôn hòa, với nhiệt độ từ 20-28 độ C, nên khả năng phòng trừ vào mùa hè thấp. Vì vậy, không lâu sau đó, hoạt động này không còn được duy trì và cây dừa tiếp tục bị bọ cánh cứng gây hại trên diện rộng.
Tháng 7/2012, Ban quản lý dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm Huế xây dựng mô hình phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng phương pháp sinh học sử dụng bọ đuôi kiềm và chuyển giao cho nông dân huyện Hoài Nhơn. Theo đó, người dân có thể tự nhân nuôi bọ đuôi kiềm, sau đó thả từ 5-7 cặp/cây dừa, chi phí cho 1 cặp con giống khoảng 5.000 đồng.
Về ưu thế, bọ đuôi kiềm là loài ăn mồi bản địa, có khả năng thích nghi, vừa chịu nắng, chịu lạnh, chịu mưa, có thể sống và phát triển quanh năm. Đặc biệt, bọ đuôi kiềm có 6 chân phía trước nên chỉ có thể bò lên, khi đã lên cây dừa, nó không thể bò xuống. Bọ đuôi kiềm còn phát tán được trong môi trường tự nhiên, bà con có thể bắt về nuôi và thả ở các vườn dừa.
Ông Nguyễn Văn An ở xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn) cho biết: Lúc đầu mới nuôi, do chưa quen nên bọ đuôi kiềm bị chết khá nhiều. Về sau, tích lũy được kinh nghiệm cộng với sự tìm tòi, học hỏi, gia đình đã nhân nuôi thành công bọ đuôi kiềm và thả từ 5-7 cặp/cây dừa ở khắp vườn. Từ khi có giống bọ này, cây dừa ra hoa, ra trái nhiều hơn, bọ cánh cứng hại dừa cũng gần như không còn. Nuôi bọ đuôi kiềm không những tốn ít chi phí mà còn giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn trong lúc chăm sóc vì người trồng không phải phun thuốc hóa học như trước.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để cây dừa mang lại hiệu quả cao, bà con cần thường xuyên duy trì việc phòng trừ bọ cánh cứng bằng biện pháp thủ công kết hợp với phương pháp sinh học nhằm diệt trừ đồng loạt, tránh lây lan; đồng thời thay thế cây dừa bị già cỗi và nhiễm bệnh nặng bằng các giống dừa có năng suất cao hơn...
Minh Tuấn (kinhtenongthon.com.vn)