Gà lai “Made in Việt Nam”

Các giống gà lông màu hướng thịt TP1, TP2, TP3, TP4… của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) được ông Nguyễn Quý Khiêm, GĐTT gọi vui là gà lai “Made in Việt Nam”. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển một số dòng gà lông màu hướng thịt” vừa được trao giải thưởng Bông lúa vàng VN.

Gọi là gà lai “Made in Việt Nam” bởi đây là giống gà được chọn và lai tạo từ chính giống gà thuần chủng có nguồn gốc ngay tại nước ta. Những năm trước đây, chúng ta đã bỏ ra rất nhiều ngoại tệ để nhập giống gà lông màu có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài.

Giống gà “nước ngoài” này hoàn toàn chinh phục được thị hiếu người tiêu dùng nhờ có chất lượng thịt tốt, hình thức khá bắt mắt. Duy nhất có một điều đó là, nếu giống được nhập khẩu theo đường chính ngạch sẽ có giá rất cao. Do vậy, đa phần người dân đành bỏ tiền "tậu" về những giống gà lông màu trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ.

Ông Nguyễn Quý Khiêm cho biết, để khắc phục tồn tại trên, một đề tài mang tên “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển một số dòng gà lông màu hướng thịt” đã được tiến hành nghiên cứu. Nhóm tác giả gồm Phùng Đức Tiến (nguyên GĐTT làm chủ nhiệm đề tài), Nguyễn Quý Khiêm, Lê Tiến Dũng, Trần Thị Thu Hằng, Lê Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Mười và Đào Thị Bích Loan. Mục tiêu của đề tài là làm sao cho ra được những giống gà lông màu có năng suất, chất lượng ngang ngửa gà “nước ngoài” trong khi giá thành rẻ, mang thương hiệu quốc gia.

Qua 5 năm triển khai nghiên cứu miệt mài, nhóm tác giả của trung tâm đã chọn tạo ra được 4 giống gà lai Thụy Phương, gọi tắt là TP1, TP2, TP3 và TP4. Trong đó 3 giống gà TP1, TP2, TP3 là gà mái, chỉ duy nhất giống TP4 là gà trống. Để tạo ra 4 giống gà nói trên, trung tâm đã sử dụng hai phương pháp đó là “chọn tạo” và “lai”.



Gà lai của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã được chuyển giao rộng rãi trên cả nước

Về phương pháp “chọn tạo”, dòng TP1 được quy ước là những con có lông màu vàng xám tro đốm đen, có cườm cổ, da và chân màu vàng. Năng suất trứng từ 177 - 180 quả/10 tháng, trọng lượng đạt gần 3 kg; TP2 và TP3 có hình thức khá giống nhau, cùng có lông màu vàng nhạt đốm đen xen kẽ, mào cờ đỏ tươi, da và chân màu vàng. Năng suất trứng từ 174 - 177 quả/10 tháng, trọng lượng cơ thể cũng đạt gần 3kg. Riêng dòng gà trống TP4 có hình thức khác hoàn toàn: Lông màu nâu cánh gián, mào to đỏ dựng, chân màu vàng.

Song song với “chọn tạo”, trung tâm cũng đã tiến hành lai ghép giữa các giống gà bố mẹ với nhau để tạo ra giống gà con nuôi thương phẩm. Cụ thể, nhóm tác giả đã cho lai lần lượt các dòng gà bố mẹ theo công thức: TP4 x TP3; TP4 x TP1 và TP4 x TP2. Có nghĩa, cho phối giống giữa dòng gà trống TP4 với các dòng gà mái còn lại. Từ đây, kết quả của hai quá trình đã cho ra đời giống gà thương phẩm có lông màu vàng hoặc nâu vàng sọc đen, chân, mỏ, màu da đều phủ màu vàng rất hợp với thị hiếu cũng như điều kiện chăn thả ở nước ta.

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, đồng tác giả của đề tài cho biết, việc nuôi dưỡng và chăm sóc các giống gà này hoàn toàn không có gì khó khăn, điều quan trọng nhất là đảm bảo về “an toàn sinh học” cho vật nuôi.

Đây là những biện pháp tổng hợp nhằm bảo vệ vật nuôi và người chăn nuôi không bị tấn công của dịch bệnh, tạo cho đàn gia súc gia cầm có sức đề kháng tốt nhất. Các biện pháp tổng hợp bao gồm chế độ cách ly, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, quy trình vệ sinh thú y, quy trình thú y phòng trị bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi, quản lý việc ấp nở gia cầm, vận chuyển và giết mổ gia cầm.

Các biện pháp này phải được thực hiện đồng bộ. Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho người chăn nuôi, vật nuôi sẽ đạt được năng suất cao, chi phí SX thấp, giảm thiểu những rủi ro do dịch bệnh, hạn chế việc lây lan dịch bệnh từ vùng này sang vùng khác, từ trại này sang trại khác và cuối cùng là tạo ra được những sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người sử dụng.

Gia cầm luôn là “miếng mồi ngon” cho các loại bệnh do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm gây ra như cúm gia cầm, Newcasttle, viêm thanh khí quản truyền nhiễm, viêm phế quản truyền nhiễm, Marek, Leuco, Gumboro, viêm khớp truyền nhiễm, đậu gà, viêm não tuỷ truyền nhiễm. Ngoài các nguyên nhân kể trên, khí thải, bụi, nhiệt độ, độ ẩm… không đảm cũng góp phần khiến vật nuôi dễ mắc bệnh. Do đó, khâu chuẩn bị chuồng trại và dụng cụ trước khi chăn nuôi là vô cùng cần thiết.

Trước khi nuôi phải tẩy rửa vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi, phun thuốc sát trùng có thể dùng: Biocid 0,3%, Foocmon 2%, Virkon 0,5%, BKA 0,3%, dung dịch hoạt hoá điện hoá Anolit nguyên chất... quét vôi trắng nền chuồng và quét vôi tường và hành lang chuồng nuôi, để khô và phun lại lần cuối trước khi thả gia cầm vào nuôi 1 ngày. Nếu khu đã chăn nuôi thì phải có thời gian để trống chuồng ít nhất là 2 tuần (sau khi đã dọn rửa phun khử trùng và quét vôi) thì mới đưa gia cầm vào nuôi.

Các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, cót quây gia cầm…phải được tẩy rửa, phun thuốc sát trùng và phơi nắng cho khô. Phơi khô phun hoặc xông bằng thuốc tím và focmon chất độn chuồng. Độ dày của chất độn chuồng tuỳ thuộc vào loại gia cầm và mùa vụ. Các thiết bị chăn nuôi như chụp sưởi, máng ăn, máng uống phải được sắp đặt sẵn ở trong quây và phải bật chụp sưởi cho ấm trước khi thả gia cầm mới nở vào.

Từ năm 2008 - 2011, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã chuyển giao vào SX khoảng 600.000 gà bố mẹ hướng thịt để SX gần 70 triệu gà thương phẩm cho hầu hết các tỉnh thành trong cả nước... Đặc biệt, với chất lượng và thương hiệu gà TP1 và TP2, Cty C.P (Thái Lan) và Cty JAPFA (Indonesia) đã ký hợp đồng với trung tâm đặt mua gà bố mẹ hàng năm với số lượng lớn.

Xung quanh chuồng phải có hệ thống bạt che, các bạt này cũng phải được phun khử trùng hoặc xông foocmon trước khi đưa vào sử dụng. Đồng thời lối ra vào chuồng nuôi phải có hố sát trùng hoặc phải có khay đựng thuốc sát trùng (crezin 3%, foocmon 2% hoặc vôi bột) để sát trùng ủng và xe cải tiến trước khi vào chuồng nuôi. Diệt chuột và các loại côn trùng khu vực xung quanh và chuồng nuôi.

Khi gà lai còn nhỏ, phải tiến hành quây úm, nên dùng các tấm cót quây với chiều cao 50 cm, mỗi quây có đường kính 1,5 - 2 m nuôi úm 120 - 200 con. Mùa nóng có thể bỏ quây từ ngày 14 để gà con tự do chạy khắp chuồng úm, được ăn tự do và sẽ phát triển nhanh. Nếu như gà con được uống nước, ăn thức ăn sạch sớm thì tốc độ sinh trưởng và độ đồng đều cao hơn. Độ ẩm trong chuồng cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự điều chỉnh nhiệt của gà con. Độ ẩm tương đối 60 - 70% là phù hợp với gà, tuy nhiên ở Việt Nam độ ẩm chuồng trại bao giờ cũng cao hơn nhiều.

Nuôi mật độ đầu gà càng thấp sẽ cho khả năng tăng trưởng càng cao và tỷ lệ nhiễm bệnh càng thấp. Trung bình từ 15 - 20 con/m2 là đạt chuẩn. Nước uống cho gà cần có chất lượng tốt và phải được cấp thường xuyên. Bồn chứa và ống dẫn phải vệ sinh hoặc thực hiện rửa sát trùng đúng thời hạn.

Trong 2 ngày đầu, để tăng sức đề kháng, nên pha vào nước 5g đường glucoza + 1g vitamin C/1lít nước cho gà con uống. Đồng thời đảm bảo giá trị dinh dưỡng trong thức ăn phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng giống gà.

Bạn đọc có nhu cầu về giống, chuyển giao kỹ thuật thuật nuôi gà TP1, TP2, TP3, TP4…xin liên hệ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương. Địa chỉ: xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. ĐT: 04.38385622 – 37570814 – Fax: 04.38385804.

Theo nongnghiep.vn