Gắn kết khoa học kỹ thuật với nông nghiệp, nông thôn

Gắn kết khoa học kỹ thuật với nông nghiệp, nông thôn
Thời gian qua, đội ngũ tri thức ngành Nông nghiệp đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, từng bước chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, mùa vụ theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Được thành lập từ năm 2004, Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH-KT) Nông nghiệp Hà Tĩnh ra đời đáp ứng yêu cầu vận động, tập hợp những người làm công tác KH&KT nông nghiệp trên địa bàn, nhằm phát huy trí tuệ hợp tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm và phổ biến kiến thức, góp phần xây dựng ngành NN-PTNT tỉnh nhà theo hướng CNH - HĐH.

Gắn kết khoa học kỹ thuật với nông nghiệp, nông thôn
Nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao được đội ngũ trí thức nông nghiệp nghiên cứu ứng dụng thành công

Phó Chủ tịch Hội KH&KT nông nghiệp Hà Tĩnh Đào Nghĩa Nhuận cho biết: Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp đã bắt tay lựa chọn, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHKT vào những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, như bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, quýt đường Kỳ Anh. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp cải tạo vùng đất cát ven biển đang có nguy cơ hoang mạc hóa, bộ giống lúa bị thoái hóa cần được thay thế, quy hoạch xây dựng NTM.

Thành công bước đầu của dự án “Bảo tồn và phát triển quỹ gen cây ăn quả có múi có giá trị kinh tế cao của Hà Tĩnh được thực hiện tại 3 huyện Hương Sơn, Kỳ Anh và Thạch Hà do UNDP tài trợ đã đánh dấu sự trưởng thành về chuyên môn, tư duy nghiên cứu của đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp. Nhờ thực hiện tốt Fa 1 nên được phía nhà tài trợ là UNDP cho thực hiện Fa 2 với tên dự án: “Góp phần sử dụng tài nguyên đất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa bưởi đường Hương Sơn thông qua tăng cường công tác quản lý giống và phân vùng quy hoạch sử dụng đất theo phương pháp tiếp cận “độ phì nhiêu thực tế”, dự án đã được triển khai thực hiện tại xã Sơn Quang và 2 xã vùng phụ cận là Sơn Trung, Sơn Bằng.

Xác định việc lai tạo, lựa chọn giống là khâu quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất, Hội KH&KT nông nghiệp đã liên kết với Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ thực hiện dự án “Sản xuất giống lạc khu vực miền Trung giai đoạn 2011 - 2015”. Năm 2012 đã nhân được 3 ha lạc giống L26 từ siêu nguyên chủng ra nguyên chủng tại xã Thạch Châu (Lộc Hà). Nhờ tạo được uy tín, Hội đã được Quỹ Môi trường toàn cầu mời chủ trì nhóm chuyên gia thực hiện dự án: “Xây dựng làng sinh thái phát triển bền vững trên vùng đất hoang mạc hóa ở Thạch Hà”. Kết quả, dự án được Quỹ Môi trường toàn cầu, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao, xem đây là mô hình cải tạo đất cồn cát ven biển điển hình để nhân rộng ra phạm vi cả nước và các nước khác có điều kiện tương tự.

Ngoài ra, đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp tỉnh nhà còn phối hợp với các giáo sư đầu ngành nghiên cứu chọn tạo thành công 2 giống lúa mới là XT 28, X33 đã được công nhận là giống quốc gia bổ sung vào bộ giống lúa xuân trung và xuân muộn để người dân ở các vùng sinh thái khác nhau có thêm sự lựa chọn. Thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu, nhiều luận cứ khoa học đã được thẩm định, cung cấp giúp các nhà quản lý hoạch định, đưa ra những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của sản phẩm chủ lực địa phương; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng được nhiều mô hình trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm thông qua các cánh đồng mẫu lớn, vườn mẫu lớn, trang trại mẫu lớn...

Đánh giá về những đóng góp của đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp đối với tiến trình phát triển KT-XH tỉnh nhà, Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn

cho rằng, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHKT của đội ngũ này đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh, nâng cao chất lượng hàng hóa. Với lực lượng hội viên hùng hậu, có mặt trên tất cả các chuyên ngành kinh tế kỹ thuật về nông nghiệp, nông thôn, trong đó nhiều người đã gắn bó với nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh suốt cả cuộc đời và rất tâm huyết với nghề, sẵn sàng đóng góp trí tuệ, công sức cho tỉnh là một nguồn lực to lớn trong công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp - nông thôn. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho tổ chức hội hoạt động, đặc biệt là huy động đội ngũ trí thức cấp huyện, thành, thị hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp vào sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà, trọng tâm là xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về NTM.

NGÔ TUẤN
theo baohatinh.vn