Giải pháp lúa-màu

Giải pháp lúa-màu
Vào mùa thu hoạch vụ lúa đông xuân (ĐX) năm nay (2012-2013) tình hình khô hạn, mặn xâm nhập hoành hành dữ dội ở vùng ven biển các tỉnh ĐBSCL. Một số vùng lúa xuân hè (XH) gieo sạ nối tiếp vụ sau lúa ĐX thiếu nước đang đứng trước nguy cơ thất bát.

rong khi đó, lúa chất lượng ĐX được đánh giá tốt nhất trong năm sau khi các DN thực hiện thu mua tạm trữ vẫn còn tiêu thụ gian nan. Vấn đề tìm giải pháp đưa cây màu xuống ruộng thay vụ lúa XH nhằm gia tăng lợi nhuận cho nông dân đang được các nhà khoa học đồng tình và chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến khích.

 

Trồng màu luân canh với lúa ở Bình Tân- Vĩnh Long. Ảnh Internet


GS.TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, nhận định: “Hiện nay ở các tỉnh Nam bộ thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) có hơn 76.000 ha, nếu phát triển mạnh lên 100.000 ha sẽ đạt 1 triệu tấn lúa chất lượng cao. 

Tuy nhiên, nếu theo hướng này mức thu nhập bà con nông dân rất thấp. Trong khi nhiều năm qua chuyển đổi cơ cấu màu ở ĐBSCL còn rất chậm. Trước đây, tỉnh An Giang có chương trình chuyển đổi cơ cấu trồng màu, nhưng chuyển không lên được. 

Trước giải phóng cơ cấu màu ở các tỉnh trong vùng chiếm khoảng 15%. Nhưng những năm sau đó cơ cấu trồng màu ở ĐBSCL chưa bao giờ chiếm hơn 4%, ngoại trừ tỉnh Vĩnh Long hiện chiếm cao nhất trên 10% nhờ có vùng trồng khoai lang. 

So sánh mức thu nhập trên diện tích đất ở ĐBSCL còn thấp, khoảng 30-40 triệu đồng/ha, trong khi ở Đồng Nai trên 65-67 triệu đồng/ha và TP HCM đạt trên 170 triệu đồng/ha. Như vậy, thay vì vụ XH có khoảng 150.000 ha chuyển đổi hẳn qua trồng mè, đậu nành, cơ cấu màu sẽ tăng lên và đây là mục đích cuối cùng nhằm nâng cao thu nhập nông dân”.

ĐBSCL có lợi thế hàng đầu của một vùng sản xuất lúa, gạo hàng hóa. Hàng năm sản lượng gạo xuất khẩu lớn, góp phần vào sản lượng xuất khẩu gạo chung cả nước đạt mốc kỷ lục 8,1 triệu tấn, giá trị kim ngạch đạt 3,7 tỉ USD. 

Thế nhưng, tuy là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, nhưng trước bối cảnh cạnh tranh lúa gạo trên thị trường ngày càng gay gắt và nhất là nước ta đang mất cân bằng khi cán cân nhập khẩu nguyên liệu đậu nành, bắp… để chế biến thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản hàng năm chiếm giá trị khá lớn. 

Do đó những mặt hàng nông sản nước ta hoàn toàn có khả năng gia tăng sản xuất, giảm bớt tình trạng phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu cần được tính toán đưa vào cơ cấu mùa vụ.

Theo Bộ NN & PTNT, năm 2012 nước ta phải nhập khẩu đậu nành 1.276 ngàn tấn, với giá trị 755 triệu USD. Đậu nành trồng trong nước chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. 

Trong khi đậu nành có nhu cầu tiêu dùng trong chế biến thực phẩm hàng ngày cho người dân và chế biến thức ăn chăn nuôi còn rất lớn, do đó Bộ NN&PTNT khuyến khích nông dân ở ĐBSCL tìm giải pháp phát triển luân canh cây đậu nành trên đất lúa. 

Đó cũng là chủ trương khuyến khích của Bộ NN&PTNT về một số giống cây trồng có khả năng thích nghi điều kiện đất đai, khí hậu ở ĐBSCL tại hội nghị bàn về hiện trạng và giải pháp phát triển luân canh cây đậu nành trên đất lúa ở các tỉnh ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vào cuối tháng 1-2013 vừa qua.

Các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: Về mặt kỹ thuật, nếu giữa hai vụ lúa ĐX và HT, nông dân nên trồng vụ màu XH để đảm bảo nông nghiệp phát triển bền vững. Nếu độc canh cây lúa 3 vụ thì hiệu quả kinh tế thấp so với mô hình trồng luân canh 2 lúa-1 màu. 

Nếu luân canh đậu nành trên đất lúa lợi ích là cắt nguồn lây lan dịch bệnh, tăng năng suất lúa, cải tạo đất; giảm cạnh tranh của cỏ dại cho cả cây lúa và cây trồng cạn, cải tạo các đặc tính sinh hóa của đất trong hệ thống luân canh.

Thực tế trong những năm qua, vùng đất trồng màu luân canh trên nền đất lúa vụ XH ở một số tỉnh chứng minh hiệu quả kinh tế. Tỉnh An Giang nằm giáp với biên giới Campuchia ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, nhờ ưu thế đất phù sa ngọt nên rất thuận lợi cho cây cây bắp lai phát triển mạnh nhất so với các tỉnh trong vùng với trên 4.500 ha/năm và 4.338 ha/năm cây bắp nếp tập trung ở các huyện Chợ Mới, Phú Tân. 

Cây bắp lai chứng tỏ khả năng thích nghi, năng suất trung bình đạt trên 10,8 tấn/ha/vụ. Đây là cây trồng được lựa chọn luân canh và có thể trồng 3 vụ trong năm. Trong khi cùng nằm khu vực đất đầu nguồn sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp có trên 3.600 ha bắp nếp và bắp lai. Riêng vụ XH diện tích bắp chiếm 2/3 diện tích cây màu của tỉnh. Ở các huyện Thanh Bình, Lấp Vò, Hồng Ngự trồng bắp nếp, còn một số địa phương khác trồng bắp lai luân canh với lúa.

Nổi bật nhất trong mô hình chuyển đổi luân canh lúa-màu là tỉnh Vĩnh Long. Nhờ địa thế nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và hệ thống kênh, rạch tạo nguồn nước tưới tiêu thuận lợi quanh năm, đất đai ở huyện Bình Tân thích hợp cho cây khoai lang xanh tốt. Năm 2010 diện tích khoai lang Bình Tân có khoảng 4.000 ha, đến năm 2012 tăng lên 9.000 ha. 

Song song đó, tỉnh Vĩnh Long còn 12.000 ha bắp, chủ yếu là bắp nếp trồng nhiều ở các huyện Trà Ôn, Bình Tân, thị xã Bình Minh. Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết, mô hình luân canh sau vụ lúa ĐX là trồng bắp vụ XH có khoảng 600ha và đang có xu hướng tăng lên.

Hiện nay, trên những vùng đất gò cao, đất giồng cát ven biển ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu vào mùa khô báo động khan hiếm nước ngọt, không đủ cung cấp nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các tỉnh đang tìm giải pháp luân canh trên nền đất lúa bằng những giống cây trồng thích nghi, giảm lượng nước tưới phù hợp vụ XH. 

Trong đó một số tỉnh trong vùng đang hình thành các vùng chuyên canh trồng màu và tạo ra sản phẩm đặc trưng có khả năng cạnh tranh trên thị trường như An Giang có bắp, khoai môn; Sóc Trăng có mía, hành tím, củ cải trắng; Hậu Giang có mía, khóm…

Theo TTKN tỉnh An Giang, hiện nay tỉnh đang thực hiện dự án chuyển đổi giống mới, thay giống bắp lai Hưng Lộc 2003 hay giống đậu nành ĐT 2006 năng suất cao đạt trên 3 tấn/ha, tăng hơn giống đậu nành cũ khoảng 0,5-0,7 tấn/ha và được nhiều nông dân hưởng ứng đưa vào diện tích đất trồng màu. 

Tuy nhiên, theo cán bộ khuyến nông các tỉnh trong vùng, điều kiện chuyển đổi muốn thành công còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện như tìm giống cây trồng có khả năng thích nghi, điều kiện hạ tầng đất đai, nguồn nước đảm bảo bơm tưới và đặc biệt là có thể thực hiện đầu tư cơ giới hóa sau thu hoạch, tạo nông phẩm làm ra có sức cạnh tranh trên thị trường.

Báo  Cần Thơ Online