Giảm đáng kể phân bón nông nghiệp với công nghệ N-Fix

Giảm đáng kể phân bón nông nghiệp với công nghệ N-Fix
Phân bón cây trồng tổng hợp là một nguồn gây ô nhiễm lớn. Điều này thực sự xảy ra khi phân bị rửa trôi khỏi những cánh đồng và đi vào nguồn nước. Không may, hầu hết các loại cây trồng thương mại đều cần đến phân bón vì phân hóa học cung cấp ni-tơ mà cây cần để tồn tại. Tuy nhiên giờ đây, một nhà khoa học từ Đại học Nottingham đã phát triển một thứ mà ông cho là quy trình thân thiện môi trường cho phép hầu như bất kỳ loại cây nào đều có thể hấp thụ ni-tơ xuất hiện tự nhiên trong không khí.

Chỉ có một vài loài cây (chủ yếu là họ đậu) có khả năng hấp thụ hay cố định ni-tơ từ không khí. Chúng làm được như vậy nhờ sự giúp đỡ của các vi khuẩn cố định ni-tơ cộng sinh. Các loài vi khuẩn này cho cây ni-tơ và đổi lại chúng ăn đường xuất hiện tự nhiên trong cây. Hầu hết các loài cây khác lấy ni-tơ từ đất và khi bạn trồng nhiều cây cạnh nhau, bạn cần tăng thêm hàm lượng ni-tơ trong đất bằng phân bón hóa học.

Vi khuẩn cố định ni-tơ thực sự có trong một số giống mía đường Brazil, đó là lý do vì sao các giống này nổi tiếng cho sản lượng cao với mức bổ sung phân bón ni-tơ tổng hợp thấp. Giáo sư Edward Cocking của Đại học Nottingham đã phát hiện một chủng vi khuẩn có thể định cư trong tất cả các loại cây trồng chủ lực, ở cấp độ tế bào.

Quy trình được Cocking phát triển dựa trên khám phá mới đây của ông có tên N-Fix. Công nghệ liên quan đến việc phủ lên hạt giống một lớp vỏ không độc chứa vi khuẩn. Khi một hạt nảy mầm và cây lớn lên, vi khuẩn sẽ đi vào cây qua rễ và cuối cùng sẽ cư trú trong mỗi tế bào của cây. Điều đó có nghĩa rằng tất cả các tế bào của cây đều có khả năng cố định ni-tơ từ không khí, giống như cây mía Brazil.

N-Fix đã trải qua các thử nghiệm phòng lab và thực địa trong 10 năm qua và hiện đã được cấp phép cho công ty Azotic Technologies để phát triển thêm và sản xuất thương mại. Theo công ty, vi khuẩn sẽ thay thế khoảng 60% nhu cầu ni-tơ của cây. Người ta hi vọng công nghệ này sẽ có được sản xuất và sử dụng đại trà trong 2 đến 3 năm nữa.

“Giúp cây trồng hấp thụ ni-tơ tự nhiên theo nhu cầu là khía cạnh quan trọng của an ninh lương thực thế giới,” Cocking nói. “Thế giới cần tự giải thoát mình khỏi sự phù thuộc ngày càng tăng vào phân bón ni-tơ tổng hợp được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch với chi phí kinh tế đắt đỏ, ô nhiễm môi trường và chi phí năng lượng cao”.

Theo Viện KHKT NN Miền Nam