Giảm giá thành chăn nuôi: Bắt đầu từ nguyên liệu

Giá thành trong sản xuất nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng ở Việt Nam vẫn là thực trạng nhức nhối. Bất cập này đã xảy ra từ rất lâu, thế nhưng đến nay lời giải của bài toán khó này vẫn bị bỏ ngỏ.

Bấp bênh

Điển hình như với nuôi heo trong thời gian qua. Năm 2016 và suốt nhiều tháng đầu năm 2017, giá heo rơi xuống mức rất thấp, xoay quanh khoảng 32.000 - 35.000 đồng/kg, thậm chí có địa phương chạm mức 25.000 đồng/kg đối với heo ngon, với nuôi quá lứa với trọng lượng trên 1 tạ thì chỉ còn 22.000/kg giá xuất chuồng, nhưng cũng không dễ bán. 

Giá thành chăn nuôi Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực Ảnh: PTC
Giá thành chăn nuôi Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực     Ảnh: PTC

  

Sau thịt heo, người chăn nuôi gà, vịt lấy cũng lao đao vì thua lỗ do giá bán trứng và thịt quá thấp. Cụ thể, thời điểm giữa tháng 6/2017, giá gà lông màu tại các tỉnh phía Nam khoảng 23.000 - 25.000 đồng/kg, giảm 18.000 - 19.000 đồng/kg so với đầu năm; gà lông trắng ở mức 23.000 - 24.000 đồng/kg. Cùng đó, giá trứng gà, vịt tại các trang trại, hộ chăn nuôi cũng giảm sâu, trung bình ở mức 900 - 1.300 đồng/quả, trứng vịt xuất chuồng 1.700 - 2.000 đồng/quả. 

Giải thích cho những lên xuống thất thường của giá bán, nhiều người cho rằng là do sản xuất tự cung tự cấp, chủ yếu tiêu thụ nội địa, không xuất khẩu được nên dẫn đến tình trạng này. Vậy nhưng, lý giải cho việc người chăn nuôi dễ bị tổn thương khi giá giảm, lại có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đa phần đều cho rằng, giá thành sản xuất cao đã đẩy nền chăn nuôi vào thế bấp bênh. 

  

Lời giải cho giá thành

Việt Nam đứng thứ 7/20 nước sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới, vậy nhưng, mỗi năm nước ta vẫn phải chi ra vài tỷ USD cho nhập khẩu mặt hàng này và nguyên liệu chế biến. Năm 2016, cả nước chi 3,39 tỷ USD nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 2,1% so với năm 2015; năm 2017, con số này lại lớn hơn nữa. Đây là một nghịch lý quá lớn đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam. Theo tính toán, hiện nay Việt Nam thường xuyên phải nhập khẩu 50% tổng lượng ngô, khô dầu gần như 100% và nguyên liệu phụ gia như khoáng chất, axit amin, vitamin phải nhập khẩu 100%. 

Đó là hậu quả của những bất cập trong hệ thống nông nghiệp nước ta. Bởi nhiều năm nay, quỹ đất dành cho trồng cây thức ăn gia súc, trồng cỏ nuôi trâu bò quá ít. Thêm vào đó là phương thức canh tác còn lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, thiếu tập trung, chất lượng giống chưa cao… nên năng suất cây trồng thấp. Có lẽ vì thế mà “vật quý thì hiếm”, giá thành sản phẩm cao lại bất ổn nên doanh nghiệp sản xuất TĂCN không mặn mà mua sản phẩm của nông dân trong nước mà quyết định nhập khẩu. Còn người dân thì sản xuất nhưng không tính toán đến việc cung cấp sản phẩm cho mục đích này. Xu hướng không chung nên mới gây ra nhiều nghịch lý và dẫn đến hệ lụy là việc phụ thuộc nhập khẩu khiến giá thành sản xuất cao, làm cho sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam yếu và nhiều rủi ro. 

Việc phụ thuộc chặt chẽ vào nhập khẩu khiến giá bán thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ tăng chứ không giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển của ngành cũng như người chăn nuôi trong nước. Tính toán cho thấy, TĂCN chiếm 70 - 75% giá thành sản phẩm nuôi. Người chăn nuôi lấy công làm lãi, phần lợi nhuận gần như rơi vào tay các doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến TĂCN, chủ yếu là doanh nghiệp FDI. 

  

Khắc phục

Năm 2014, nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, Chính phủ ban hành Quyết định giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu TĂCN từ 5% về 0%, tuy nhiên, giá TĂCN trong nước lại không mấy khả quan, giảm nhưng không đáng kể. 

Vậy nên, mục tiêu lâu dài vẫn là phải tự thân vận động, mà trước mắt là hình thành các vùng nguyên liệu như ngô, đậu tương, cám gạo… làm TĂCN ngay trong nước. Trong đó, quan trọng nhất là cây ngô. 

Còn theo TS. Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cần điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi và định hướng phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020 theo hướng ưu tiên phát triển sản phẩm có lợi thế, tăng chất lượng, hạ giá thành, gia tăng giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn môi trường nhằm thực hiện tốt mục tiêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có lợi thế. 

Nhà nước cần quy hoạch các vùng chăn nuôi, xây dựng các trung tâm giống có quy mô lớn, hiện đại; nhập khẩu các giống vật nuôi tốt nhất và công nghệ sản xuất giống tiên tiến nhất của thế giới để tự túc sản xuất con giống, phục vụ chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cơ sở chăn nuôi lớn khép kín cũng cần được quan tâm đầu tư. Có như vậy, sức mạnh của ngành chăn nuôi mới sớm được cải thiện và sản phẩm chăn nuôi Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Theo ghi nhận, năm 2016, khi giá thịt gà công nghiệp tại Việt Nam khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg, gà ta 130.000 đồng/kg thì thịt gà buôn tại Thái Lan chỉ 36 - 38 baht (khoảng 24.000 đồng/kg), gà thành phẩm tại chợ 80 - 85 baht (khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg). Tại Hàn Quốc, giá thành 1 kg thịt gà khoảng 1.500 won, tương đương 28.000 đồng/kg.

 
Nguồn: nguoichannuoi.com