Giảm thiểu ô nhiễm môi trường ao nuôi
- Thứ ba - 09/07/2013 03:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nguyên nhân
Ô nhiễm môi trường trong ao nuôi tôm xuất phát chủ yếu từ chất thải, phát sinh từ nhiều nguồn gốc và có sự khác biệt giữa các ao nuôi, bao gồm: Đất ao bị xói mòn do dòng chảy của nước, đất từ bờ ao rửa trôi, phân tôm, thức ăn thừa, xác chết phiêu sinh vật, các loại vôi, khoáng chất, chất lơ lửng do nguồn nước cấp. Trong đó, phân tôm, thức ăn thừa và xác chết phiêu sinh vật là nguyên nhân chính hình thành chất thải hữu cơ.
Chất thải lắng tụ từ đó sinh ra các khí có tính độc cao đối với nuôi tôm là NH3 và H2S. Khí NH3 sinh ra do sự bài tiết của tôm và sự phân hủy chất đạm có trong các chất hữu cơ ở điều kiện hiếu khí và yếm khí, chủ yếu ở giai đoạn tôm nuôi ở tháng thứ ba. Khí H2S chỉ sinh ra từ các chất hữu cơ lắng tụ khi phân hủy trong điều kiện yếm khí, thường có ở những ao dọn tẩy không triệt để.
Ngoài việc sinh ra chất độc thì chất thải là nơi phát sinh các dòng vi khuẩn gây bệnh cho tôm, nhất là bệnh đen mang, mòn đuôi, cụt râu...
Cách hạn chế chất thải trong ao
Chuẩn bị ao kỹ
Trong ao nuôi tôm công nghiệp, mặc dù quản lý chất thải tốt nhưng việc tồn lưu chất thải hữu cơ sau vụ nuôi tôm là điều không tránh khỏi. Do đó, trước khi thả tôm phải dọn sạch chất thải, rải vôi, phơi đáy và cày xới đáy ao, giúp đáy ao thông thoáng, tiêu diệt mầm bệnh và giải phóng khí độc là điều hết sức cần thiết.
Quản lý sự xói mòn do dòng chảy của nước
Sự xói mòn do dòng chảy của nước chủ yếu do hoạt động của hệ thống máy quạt nước, sự xói mòn từ bờ ao khi trời mưa và thường xảy ra ở những ao nuôi mới xây dựng. Ðể khắc phục hiện tượng này, trước khi nuôi tôm, đối với những ao mới xây dựng, cần phải rửa ao nhiều lần, gia cố bờ chắc chắn. Ðặt hệ thống quạt nước sao cho dòng chảy trong ao điều hòa đảm bảo chất thải gom tụ lại giữa ao và tạo ra được tỷ lệ diện tích đáy ao sạch là cao nhất.
Quản lý thức ăn
Quản lý thức ăn bằng việc kiểm tra sàng cho tôm ăn hàng ngày - Ảnh: Huy Hùng
Chất lượng thức ăn kém dẫn đến hệ số tiêu tốn thức ăn cao hoặc độ tan rã thức ăn trong nước lớn làm cho tôm không sử dụng hết thức ăn, hoặc do việc điều chỉnh thức ăn, vị trí cho tôm ăn không phù hợp sẽ dẫn đến dư thừa thức ăn trong ao. Vì thế, cần phải chọn loại thức ăn chất lượng cao và sử dụng thức ăn hợp lý cho tôm nuôi, tránh dư thừa thức ăn.
Quản lý tốt màu nước ao nuôi
Ðây là việc hết sức cần thiết, bởi một trong những vai trò tích cực của tảo là làm tăng chất lượng nước, giảm khí độc trong ao.
Chọn nguồn nước cấp thích hợp
Nguồn nước cấp cũng là một trong những lý do làm tích tụ chất hữu cơ trong ao nuôi tôm. Do vậy, khi chọn nguồn nước cấp vào ao nuôi, cần phải chọn những nguồn nước ít chất lơ lửng, không có tảo.
Gom tụ chất thải và tránh khuấy động chất trong ao
Việc sử dụng máy quạt nước để gom tụ chất thải, áp dụng việc sử dụng các loại vôi, khoáng chất, tránh khuấy động vùng gom tụ chất thải sẽ là một giải pháp tương đối an toàn, vừa tạo ra vùng sạch cho tôm hoạt động vừa tránh sự phát tán chất lơ lửng trở lại nước ao trong suốt thời gian nuôi... Nên dành một ao chứa có diện tích phù hợp để gom tụ chất thải, tránh xả thẳng ra bên ngoài.
Ngoài ra, việc sử dụng ao chứa lắng và nuôi mật độ vừa phải cũng là một giải pháp tốt trong việc quản lý chất thải.
Xử lý chất thải
Sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi, có thể sản phẩm Soil-Pro của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NaNoGen để xử lý mùi, hóa chất, làm sạch nước và đáy ao ô nhiễm nặng, hay các sản phẩm của Công ty TNHH Tiệp Phát như US-AZT làm sạch môi trường ao nuôi, Marine Boomer tạo màu nước... Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Xử lý bằng phương pháp xiphông: Dụng cụ để xử lý xiphông là hai ống nhựa PVC có đường kính 10 - 12 cm, dài 1 - 1,2 m, nối với nhau thành hình chữ T, ở đoạn trên đầu chữ T khoan nhiều lỗ nhỏ (nhỏ hơn kích cỡ tôm trong ao nuôi). Phần cuối chữ T được đấu nối vào đầu hút nước của bơm ly tâm (có cánh quạt hút nước), còn bơm ly tâm được nối với trục nối dài của moteur hay động cơ nổ loại sử dụng xăng. Ưu điểm của dụng cụ trên là hút được bùn và chất thải, đồng thời tránh cho tôm bị hút vào khi bơm ly tâm hoạt động. Bùn và chất thải theo các lỗ nhỏ trên đoạn đầu chữ T đến bơm ly tâm thoát ra ngoài theo ống thoát nước.
Thường sau khi tôm nuôi được trên 3 tháng tuổi mới dùng xiphông, khi đó đáy ao tụ nhiều chất thải. Trong quá trình dùng xiphông cần hạn chế sự xáo trộn đáy ao, mỗi ngày chỉ làm một lần vào sáng sớm hay chiều mát, ở khu vực có chất thải tập trung nhiều, nhằm hạn chế tối đa khí độc phát sinh gây ảnh hưởng đến tôm nuôi. Làm xong phải cung cấp lượng nước để bù đắp lượng nước thất thoát (nước phải được bơm từ ao lắng đã được xử lý).
>> Ngày 16/1/2012, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 03/2012/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2009/TT-BNN của Bộ NN&PTNT ban hành danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đã quy định: Đưa các chất Cypermethrim, Deltamethrin và Enrofloxacin ra khỏi Danh mục hoá chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 của Bộ NN&PTNT; Đồng thời, bổ sung các chất này vào Danh mục hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009. |