Hạn chế bệnh đốm trắng

Bệnh đốm trắng do virus trên tôm gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm. Hiện chưa có thuốc chữa trị bệnh này, tuy nhiên việc tuân thủ một số nguyên tắc sẽ giúp giảm thiểu sự phát sinh và tác động của bệnh.

 

Tôm bị bệnh đốm trắng - Ảnh: Phan Thanh Cường

Một số nguyên tắc cần lưu ý

- Thả tôm đúng lịch thời vụ khuyến cáo, không thả tôm khi thời tiết chưa ổn định, nhất là nhiệt độ thấp.

- Mua con giống ở các trại giống uy tín, có chất lượng, tôm bố mẹ được kiểm dịch, tôm Post được xét nghiệm âm tính với bệnh trước khi thả nuôi.

- Nếu thả nuôi nhiều ao, người nuôi nên chia thành nhiều đợt thả giống và sử dụng nhiều nguồn giống khác nhau để tránh nguy cơ xảy ra dịch bệnh đồng loạt.

- Trong quá trình cải tạo ao cần diệt hết các vật chủ trung gian là các loài giáp xác như tôm, cua.

- Ao cần được cải tạo kỹ, đặc biệt là vét sạch lớp bùn hôi từ vụ trước, cần có thời gian phơi ao ít nhất từ 7-10 ngày.

- Nước cấp vào ao cần được lọc kỹ qua lưới lọc để ngăn trứng cá và giáp xác lọt vào ao.

- Thực hiện an toàn sinh học trong trại giống, trang trại nuôi tôm như thiết lập hàng rào cách ly bằng lưới ngăn chim và động vật vào ao. Dụng cụ sử dụng cho các ao cần được sát khuẩn, không sử dụng chung dụng cụ cho nhiều ao.

Phòng bệnh trong quá trình nuôi

Trong thời gian đầu vụ nuôi, tôm còn nhỏ sức đề kháng yếu. Bên cạnh đó, thời điểm đầu vụ thời tiết thay đổi nhiều. Đây là nguyên nhân làm cho tôm dễ mẫn cảm và phát bệnh. Đặc biệt nhiệt độ nước và môi trường thấp sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

Trong quá trình chăm sóc, nhất là tháng đầu tiên, cần theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường, khí độc và xử lý kịp thời. Tránh để tôm bị stress.

Tăng cường dinh dưỡng tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho tôm.

Khi dịch bệnh xảy ra cần thu hoạch toàn bộ và thực hiện cách ly xử lý, tránh lây lan ra xung quanh.

Trọng Nam (thuysanvietnam.com.vn)