Hệ thống cảm biến điện tự động trong nuôi lợn
- Thứ sáu - 24/02/2017 05:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Người Chăn Nuôi) - Bằng sự sáng tạo của mình, anh Nguyễn Văn Toán, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã tạo nên một hệ thống cảm biến điện tự động giúp cập nhật đầy đủ các thông số trong chuồng nuôi lợn của trang trại nhà mình.
Sau một thời gian tự mày mò tìm hiểu, anh Toán đã chuyển đổi thành công hệ thống cảm biến điện tự động hầm lò khai thác mỏ thành hệ thống cảm biến điện tự động dùng cho trại lợn. Cụ thể, hệ thống cảm biến điện tự động này hoạt động theo nguyên lý cảm ứng nhiệt. Khi thời tiết bên ngoài chuồng nuôi thay đổi (quá nóng hoặc quá lạnh), sẽ kéo theo sự thay đổi nhiệt độ, ẩm độ không khí bên trong chuồng lợn. Khi đó hệ thống cảm biến điện trong trại lợn sẽ tự động điều chỉnh tốc độ quay hoặc số lượng quạt hút gió hoạt động, đảm bảo cho nhiệt độ, ẩm độ không khí của chuồng nuôi luôn ổn định ở ngưỡng thích hợp đã cài đặt trước cho lợn tăng trưởng tốt. Điểm đặc biệt nhất của công nghệ này là hệ thống cảm biến điện tự động vừa có thể kết nối được với mạng viễn thông quốc gia, vừa kết nối với các thiết bị điều khiển chăn nuôi tự động trong trại lợn. Nhờ đó, người nuôi không cần thường xuyên ở gần trại. Với thao tác đơn giản, bằng việc gửi tin nhắn kiểm tra nhiệt độ qua điện thoại di động; Chỉ sau vài giây, hệ thống cảm biến điện đã có thể cập nhật đầy đủ các thông số trong chuồng nuôi như nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió… Rồi tự động nhắn tin tới người nuôi dù đang ở bất cứ tại địa điểm nào. Thông qua đó, người nuôi sẽ nắm bắt được đầy đủ các thông tin tại trại nuôi để có những điều chỉnh kịp thời giúp giảm bớt những rủi ro không đáng có cho đàn lợn; Hơn nữa, còn tiết kiệm được chi phí nhân công và thời gian do không cần thiết lúc nào cũng phải có mặt tại trang trại. Được biết, trước đây anh Toán đã từng chăn nuôi lợn khép kín có hệ thống máng ăn, vòi nước uống và tường làm mát tự động… Nhưng hệ thống quạt hút gió vẫn cần có người trực để điều chỉnh khi cần; điều này, gây bất tiện khi người trực trại ở xa chuồng nuôi. Từ sau lắp đặt cảm biến điện tự động trong trại lợn, rủi ro dịch bệnh trên đàn lợn nuôi đã triệt tiêu căn bản. Ngoài ra, để tiết giảm tối đa chi phí chăn nuôi, anh Toán còn tiến hành một số cải tiến khác, nhờ đó mà trang trại của anh tiết kiệm được rất nhiều chi phí chăn nuôi. Đồng thời, còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch bệnh hại lợn.
Bích Hòa (Tổng hợp)
http://nguoichannuoi.com
http://nguoichannuoi.com