Hệ thống sấy lúa hiện đại nhất Tiền Giang

TS Phạm Văn Tấn, PGĐ Phân viện Cơ điện nông nghiệp & công nghệ sau thu hoạch cho biết: ĐBSCL thất thoát sau thu hoạch lúa trên 13%, trong đó khâu phơi sấy chiếm hơn 4,2%. Nếu sớm giải quyết được khâu phơi sấy lúa thì giá trị tăng thêm 13.700 tỷ đồng.

Trong 3 vụ lúa ở ĐBSCL thì vụ HT có tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao nhất. Thực tế nhu cầu sấy lúa ở ĐBSCL tăng lên từ khi nông dân gieo sạ đồng loạt né rầy và SX cánh đồng mẫu lớn. Thu hoạch tập trung chỉ trong thời gian 25-30 ngày/vụ, vì vậy nhu cầu phơi sấy rất cao. Tuy nhiên, nếu để nông hộ tự đầu tư máy sấy công nghiệp thì nặng vốn, còn làm dịch vụ 1 tháng thì không hiệu quả.

Để giải bài toán này, Cty Lương thực Tiền Giang đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống sấy công nghiệp hình tháp có công suất 200-300 tấn/ngày do Cty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ chế tạo và lắp đặt với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng tại Trung tâm nông sản Phú Cường (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy).

Hệ thống gồm 3 tháp sấy liên hoàn, lắp ráp bằng vật liệu thép không gỉ, độ bền cao, được vận hành tự động theo quy trình khép kín. Lúa sau khi sấy đã được làm sạch tách tạp chất triệt để, độ ẩm đạt từ 14-15,5%, chất lượng lúa đồng đều, có thể dự trữ được lâu và đảm bảo cho xay xát xuất khẩu. Ngoài mục đích giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị hạt gạo, hệ thống sấy lúa công nghiệp này còn có thể tận dụng lượng trấu tại chỗ làm nhiên liệu đốt, hạn chế tình trạng thải trấu ra sông rạch gây ô nhiễm môi trường.


Hệ thống hút lúa từ dưới ghe lên lò sấy công nghiệp

 

Đây là hệ thống máy sấy lúa công nghiệp có năng suất lớn và hiện đại nhất được lắp đặt và sử dụng đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang. Qua quá trình sấy thử trên 4.000 tấn lúa ướt thì chi phí vận hành chỉ tốn có 65.000 đ/tấn lúa, so với các lò sấy có công suất nhỏ hoặc phơi lúa thủ công thì chi phí này chỉ bằng một nửa. Hiệu quả đã rõ nhưng để đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa trong khâu phơi sấy lúa thì DN phải tiên phong bỏ vốn ra đầu tư.

KS Nguyễn Thế Hà, Cty Cơ khí Bùi Văn Ngọ tính toán: ĐBSCL đang có 9.600 máy sấy lúa, đáp ứng được khoảng 40% sản lượng lúa HT, tương đương 40.000-50.000 tấn/ngày. Trong khi đó, nhu cầu lúa cần sấy hàng năm khoảng 12 triệu tấn, thời gian sấy trong vòng 120 ngày. Muốn giải bài toán này thì cần đầu tư 100 hệ thống máy sấy công nghiệp kết hợp với kho trữ lúa thì mỗi ngày sẽ làm khô khoảng 1.000 tấn. Tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng nhưng giảm được tổn thất trong khâu phơi sấy đến 5% với số tiền là không nhỏ.

Công nghệ này có nhiều đặc điểm nổi bật như sau:

1/ Nguyên lý sấy: Sấy kiểu tháp, có thể sấy theo từng mẻ từ 40-60 tấn, hoặc sấy liên tục, có khả năng sấy từ lúa ướt, ẩm độ trên 30% xuống ẩm độ xay xát và bảo quản 14-15%. Tốc độ sấy: Mức giảm ẩm độ từ 1,2-1,4%/giờ. Thời gian sấy bình quân: 12h/mẻ cho ẩm độ từ 30% xuống 15%. Năng suất bình quân 200-300 tấn lúa ướt/ngày đêm.

2/ Nhờ các bộ tự động kiểm soát về nhiệt độ, lưu lượng gió, phân phối tác nhân sấy hợp lý, nhiệt độ sấy thấp (40 độ C) nên bảo đảm về độ đồng đều (< 0,5%), tỷ lệ rạn nứt gia tăng dưới 2% (so với trên 10% của các loại máy sấy thông thường).

3/ Tự động hóa gần như hoàn toàn các khâu, chỉ sử dụng kỹ thuật vận hành, phù hợp với xu hướng quản lý SX tiên tiến, hiện đại… với các thiết bị kiểm soát an toàn: Cảm biến kiểm soát và điều chỉnh tự động lưu lượng gió, điều chỉnh tốc độ quạt, cảm biến kiểm soát nạp liệu; kiểm soát độ ẩm liên tục, cập nhật trên màn hình.

4/ Bụi lò sấy và lò đốt trấu được xử lý triệt để qua phòng lắng và thiết bị thu hồi cyclon, giảm thiểu được tối đa ô nhiễm môi trường.

5/ Tổng công suất motor điện: 103 KWh. Suất tiêu hao điện năng từ 1,0-1,2 KWh/tấn/giảm 1 độ ẩm (sấy kiểu cũ, bình quân 2 KWh/tấn/giảm 1 độ ẩm).

6/ Nhiên liệu đốt bằng trấu rời với chủng loại lò dạng kín, gọn, năng suất, hiệu suất cao, khí thải và tro được xử lý triệt để, cơ giới hóa hoàn toàn từ khâu nạp trấu đến xử lý tro bụi. Mức tiêu thụ trấu từ 150-180 kg/h.

7/ Kích thước chiếm chỗ 60 x 50 m, khu vực tháp sấy cao 22 m.

Theo nongnghiep.vn