Hiện đại như nông nghiệp Mỹ
- Thứ ba - 28/10/2014 21:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đằng sau sự thành công này, không chỉ là các khoản vốn đầu tư lớn, khoa học công nghệ cao mà còn có sự hỗ trợ đặc biệt từ phía chính phủ.
Nông dân hiện đại
Nếu ai đã từng đi xe trên xa lộ hàng giờ, dọc theo các tiểu bang vùng Trung Tây nước Mỹ như Texas, Missouri… sẽ choáng ngợp trước những cánh đồng bắp, đậu nành, lúa mì… rộng mênh mông. Tổng diện tích dành riêng cho đậu nành tại Mỹ đã lên tới 30 triệu ha. Vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, sản xuất đậu nành của Mỹ lớn mạnh dần, các vụ trồng trọt quy mô lớn dần thay thế hoạt động sản xuất nhỏ lẻ. Ngay từ giai đoạn đầu, người nông dân được coi là khuôn mẫu cho những đức tính cần thiết trong hoạt động kinh tế như cần cù chịu khó, sáng tạo và làm ăn tự chủ.
Ngày nay, không có gì lạ khi nhìn thấy những người nông dân Mỹ lái máy kéo trang bị ca bin lắp điều hòa nhiệt độ, gắn máy cày, máy xới và máy gặt có tốc độ rất nhanh. Bên cạnh đó, công nghệ sinh học phát triển, lai tạo ra những giống chống được sâu bệnh và chịu hạn cao. Máy tính theo chân người nông dân vào quản lý từng trang trại, thậm chí, công nghệ vũ trụ cũng được sử dụng để tìm ra những nơi tốt nhất cho gieo trồng và thâm canh mùa màng.
Năm 1848, Sàn Giao dịch Thương mại Chicago (CBOT) được thành lập, giao dịch các mặt hàng nông sản như ngô, lúa mì, yến mạch, đậu tương và nhiều mặt hàng phi nông sản khác. Đây là sàn giao dịch hàng đầu về hợp đồng tương lai và lựa chọn tương lai thông qua đấu giá mở và đấu giá điện tử. CBOT đã mang lại một thị trường minh bạch, dễ điều chỉnh cho các thành viên, khách hàng; qua đó, dễ dàng tìm hiểu giá cả, quản lý rủi ro và đầu tư. Thông qua CBOT, người nông dân cũng biết sử dụng hợp đồng giao sau hoặc hợp đồng tương lai để tiêu thụ hàng hóa, giảm thiểu được rất nhiều rủi ro.
Thu hoạch ngô bằng máy - chuyện tất nhiên ở Mỹ
Chính phủ ngầm trợ giá
Trong những năm 1930, sản xuất thừa, thời tiết xấu, và cuộc đại khủng hoảng xuất hiện làm khó khăn chồng chất, đè nặng lên vai người nông dân. Chính phủ đã khắc phục tình hình bằng những cuộc cải cách nông nghiệp có ảnh hưởng sâu rộng (đáng chú ý nhất là hệ thống trợ giá). Hệ thống này bảo đảm cho nông dân một mức giá bằng giá lúc thị trường không gặp trắc trở. Trong những năm sản xuất nhiều, chính phủ mua sản lượng dư thừa thông qua chính sách bảo tồn, dưỡng đất dự trữ. Trong khoảng thời gian 1933 - 1996, chính phủ hỗ trợ tài chính cho nông dân canh tác, nông dân sẽ trả nợ theo giá quy định trong hợp đồng. Lúc giá nông sản cao, nông dân bán sản phẩm cho các công ty kinh doanh lương thực để tăng lợi tức.
Ngày nay, chính sách bảo trợ nông nghiệp vẫn duy trì nhưng ở mức vừa phải, tập trung thêm vào chương trình dự trữ chiến lược, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, phục vụ hiệu quả cho ngành nông nghiệp và chú trọng đến xuất khẩu nông sản. Gần 10 năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã âm thầm xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào nhiều thị trường trong đó có Việt Nam, với những hỗ trợ tối đa của chính phủ thông qua các tổ chức, hiệp hội nông nghiệp Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong ngành nông nghiệp được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn khi xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Nhiều nhà nhập khẩu nhận định, giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi nhập từ Mỹ luôn rẻ hơn trung bình 20 - 30% so nguyên liệu cùng loại ở thị trường nội địa. Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ, nhân đạo, đúng đắn, phục vụ nông dân của chính phủ đã mang lại cho ngành nông nghiệp Mỹ một kết quả tốt đẹp như ngày nay.
>> Xuất khẩu đậu nành của Mỹ đạt 24,7 tỷ USD, chiếm 50,5%, bắp đạt kim ngạch 9,3 tỷ USD, dẫn đầu thế giới. Giai đoạn 1960 - 2014, Mỹ luôn có thặng dư về mậu dịch nông nghiệp, ước tính năm 2014 xuất khẩu nông nghiệp đạt 194,5 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch toàn ngành và thặng dư mậu dịch nông nghiệp lên đến trên 38,5 tỷ USD. |