Hiệu quả dự án khí sinh học trong chăn nuôi

Long An đã thành lập Văn phòng dự án khí sinh học và triển khai các hoạt động tham gia Chương trình dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi từ năm 2010. Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi tạo khí sinh học (biogas) của dự án áp dụng kiểu hầm xây mái vòm KT1 và KT2.

Thời gian đầu, hoạt động của dự án còn gặp trở ngại do chưa có đủ nguồn nhân lực kỹ thuật và thợ xây. Bên cạnh đó, tình hình chăn nuôi cũng không thuận lợi do dịch bệnh heo tai xanh và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

 

Trung tâm Khuyến nông Long An đã phát triển được bộ phận dịch vụ cung ứng vật tư, trang thiết bị chuyên dùng về khí sinh học hỗ trợ cho hoạt động của dự án. Trên cơ sở đó, dự kiến trong năm 2012, chỉ tiêu kế hoạch xây dựng công trình khí sinh học của dự án đạt số lượng tăng lên 280 công trình.

Năm 2012, mạng lưới kỹ thuật viên, thợ xây tại các địa phương đã tương đối ổn định nên kết quả quảng bá, nhận đăng ký thi công của cơ sở chăn nuôi tăng nhanh. Tính đến nay, đã thi công hoàn chỉnh 250 công trình, phân bổ rộng rãi ở 13 huyện và thành phố trong tỉnh. Kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa rất tích cực, vì trong năm qua Long An gặp nhiều trở ngại do dịch bệnh tai xanh tái phát và giá vật tư, công lao động tăng cao làm trì hoãn tiến độ thi công một số công trình.

Từ kết quả trên, dự án đã góp phần giúp người dân xử lý chất thải trong chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường và tạo nguồn khí đốt thay thế gas công nghiệp, than, củi phục vụ sinh hoạt và các hoạt động SX chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi sau khi xây hầm biogas đã đầu tư sử dụng nhiên liệu từ khí biogas để phát điện phục vụ cho thắp sáng, nấu ăn, trộn thức ăn chăn nuôi. Sử dụng công nghệ biogas để xử lý chất thải hạn chế ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ phát tán mầm bệnh, tạo khí đốt là xu hướng tất yếu để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững.

 
 
Theo nong