Hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khai thác

Thời gian qua, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư hầm bảo quản bằng công nghệ PU, máy dò ngang vào khai thác. Những mô hình này góp phần giảm tổn thất nguyên liệu hải sản sau thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân sau mỗi chuyến biển.
Hiệu quả hầm bảo quản PU, máy dò ngang được nhiều chủ tàu ứng dụng Ảnh: Xuân Trường

Hiệu quả trông thấy

Năm 2016, từ nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Thuận đã phối hợp với Phòng Kinh tế TP Phan Thiết và chính quyền địa phương tổ chức triển khai mô hình “Máy dò ngang Sonar Furuno CH-250” trên tàu BTh 99610 TS của ông Trần Văn Luận, khu phố 4 - phường Phú Hài, TP Phan Thiết. Tàu đóng bằng gỗ, công suất máy chính 250 CV làm nghề vây rút chì. Chủ tàu Trần Văn Luận cho biết, từ khi lắp đặt máy dò ngang (khoảng trung tuần tháng 7/2016), sản lượng cá mỗi chuyến đánh bắt đều cao hơn nhiều so khi chưa lắp máy, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Sau khi ra khơi đánh bắt 4 chuyến biển, thời gian 19 - 21 ngày/chuyến, tổng sản lượng khai thác trung bình gần 24 tấn/chuyến. Hạch toán sơ bộ, tổng thu 1.235 triệu, sau khi trừ (nhiên liệu, vật tư, khấu hao cơ bản tàu và ngư cụ, nhân công...) chủ tàu còn lãi 849 triệu đồng, cao hơn nhiều so khi chưa sử dụng máy dò ngang.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai mô hình máy dò ngang Sonar trên tàu lưới vây của một số ngư dân ở thị trấn Long Hải và TP Vũng Tàu. Theo đó, mỗi tàu cá triển khai sẽ được trung tâm hỗ trợ vốn 160 triệu đồng mua thiết bị dò cá Sonar, gần 200 triệu đồng còn lại do ngư dân tự bỏ ra. Qua thời gian hoạt động cho thấy, máy dò ngang Sonar đã mang lại hiệu quả khai thác cao, góp phần nâng cao sản lượng cũng như giá trị sản phẩm khai thác cho ngư dân. Ông Trần Ngọc Dân, chủ tàu cá BV 9188 TS (ở phường 6, TP Vũng Tàu) cho biết, ông sử dụng máy dò ngang Sonar cho tàu đánh bắt cá đã gần một năm nay, hiệu quả đánh bắt cao gấp 10 lần so trước. Mỗi chuyến đi biển, ông đánh bắt được khoảng 40 tấn cá, doanh thu gần 600 triệu đồng. “Có thiết bị dò cá khi đánh bắt tần suất gặp cá nhiều hơn, năng suất và hiệu quả cao hơn hẳn, có khi chỉ một mẻ lưới cũng cho sản lượng gần 30 tấn cá” - ông Dân phấn khởi nói.

Về mô hình hầm bảo quản PU trên tàu cá, ngư dân Nguyễn Thành Khâm, xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi) rất hài lòng. Năm 2015, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Khâm đầu tư một hầm bảo quản hải sản theo công nghệ PU, với tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Sau hai năm sử dụng, ông Khâm khẳng định: “Hầm bảo quản PU không những giúp ngư dân giảm được hơn 15% chi phí, mà lợi nhuận còn tăng 20 - 30% so trước”.

Còn hạn chế

Ông Nguyễn Văn Lung, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, thời gian qua, đơn vị gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh hỗ trợ ngư dân ứng dụng hầm bảo quản PU, máy dò ngang Sonar nhưng mới chỉ dừng lại ở một số mô hình. Nguyên nhân, do chi phí vật liệu để làm hầm theo phương pháp mới này cao hơn gấp 3 - 4 lần vật liệu truyền thống nên ngư dân không dám bỏ tiền để đầu tư. Vì kinh phí có hạn, nên trong năm 2017 mô hình này cũng tạm dừng triển khai. Hy vọng với những mô hình trình diễn, ngư dân có đủ điều kiện thấy hiệu quả để tự đầu tư cho những chuyến đi biển.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh ven biển đã khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển nhờ một số chính sách hỗ trợ tích cực. Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, ngành thủy sản của tỉnh đang điều chỉnh lại quy hoạch phát triển thủy sản nói chung, nghề khai thác hải sản nói riêng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm thu được. Nội dung quan trọng để thực hiện điều đó là có cơ chế hỗ trợ để ngư dân đầu tư trang thiết bị bảo quản sản phẩm hiện đại sau khi khai thác được. Theo đó, đầu tư hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU, máy dò ngang… là những ứng dụng quan trọng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác hải sản, tăng giá trị sản phẩm giúp ngư dân thu được hiệu quả kinh tế cao sau mỗi chuyến biển.

Với những hiệu quả của ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác xa bờ, để nhân rộng hơn nữa Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đầu tư chuyển đổi và ứng dụng công nghệ PU làm hầm bảo quản, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao lợi nhuận để ngư dân yên tâm bám biển dài ngày.


>> Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Dự án “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác xa bờ” được Trung tâm triển khai, đã đem lại lợi nhuận cao, chủ tàu có lợi và thuyền viên cũng có thu nhập cao, nhiều tàu sau khi lắp máy dò ngang năng suất tăng lên trên 200%, hiệu quả tăng cao hơn năng xuất do tiết kiệm thời gian đi tìm đàn cá và rút ngắn thời gian đi biển.
Anh Vũ 
http://thuysanvietnam.com.vn