Hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường

Hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường
Nông nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của chúng ta, tăng trưởng nông nghiệp một cách bền vững không chỉ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng để nuôi sống dân số hiện tại, dân số tăng trưởng hàng năm mà còn nâng cao và cải thiện được chất lượng cuộc sống của người dân trong sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khác. Do đó, chung tay phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hiện nay.

 

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp

 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn mà loài người đang phải đối mặt, đặc biệt là với quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Bến đổi khí hậu (BĐKH) biểu hiện chủ yếu thông qua sự nóng lên của toàn cầu và làm nước biển dâng. BĐKH cũng được cho là hệ quả của sự tiếp tục và gia tăng phát thải các sản phẩm từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, sự thay đổi trong sử dụng đất như: phá rừng, biện pháp canh tác nông nghiệp… và những yếu tố khác như sự biến động của bức xạ mặt trời... Nếu như không có những chính sách mạnh mẽ, hữu hiệu sẽ dẫn đến sự biến đổi lớn về khí hậu trong tương lại mà rất khó có thể lường trước những hậu quả do BĐKH gây ra.

 

 

 

 Sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực 
(Ảnh: P.H)


Theo dự báo của các nhà khoa học, BĐKH sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Theo số liệu tính toán tại một số quốc gia, BĐKH làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, như tại Châu Á, do ảnh hưởng của BĐKH làm cho sản xuất lúa gạo tại châu Á có thể sẽ giảm 4% trong thế kỷ này. 

 

Ngoài ra, BĐKH còn làm thay đổi chế độ mưa có thể gây lũ nghiêm trọng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô; gia tăng về cường độ và tần suất các cơn bão, giông tố gây lũ lớn và ngập lụt, lũ quét, tàn phá nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp…

 

 

Việt Nam là một quốc gia mà nông nghiệp có vị trí rất quan trọng, luôn được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của BĐKH. Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm của Việt Nam đã tăng khoảng 0,7 độ C và nước biển dâng khoảng 20cm. Dự báo, đến năm 2050 biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trên các khía cạnh nông nghiệp, thủy điện, đường giao thông, du lịch... và khi đó, sản lượng nông nghiệp cũng có thể giảm đáng kể đối với tất cả các cây trồng. Nhưng nhu cầu thủy lợi lại tăng nhiều hơn so với sự suy giảm về sản lượng, tạo nên nhu cầu lớn hơn đối với nước cho thủy lợi. Vì thế, cần phải cân nhắc tới việc sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn.

 

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã vươn lên từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, mỗi năm Việt Nam giảm 2% hộ nghèo, ở những huyện nghèo giảm 4%. Mục tiêu, những năm tiếp theo Việt Nam sẽ xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và thâm nhập, có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng đầu tư vào nông nghiệp, có những chính sách và chuyển giao khoa học kỹ thuật hiện đại đối với nông dân, doanh nghiệp...

 

Chung tay phát triển nông nghiệp bền vững

 

Trước những tác động mạnh mẽ của BĐKH, việc xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp thích ứng với BĐKH, thân thiện với môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi khi có nền nông nghiệp ứng phó tốt với BĐKH đồng nghĩa với vấn đề an ninh lương thực sẽ được đảm bảo.

 

Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), bảo đảm cung cấp đủ lương thực và thực phẩm cho khoảng 9 tỷ người với mức tăng sản lượng lương thực toàn cầu khoảng 70% đến năm 2050 là một thách thức lớn trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng... đang ngày dần cạn kiệt. Do vậy, sản xuất lương thực có vị trí đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới.

 

Để đảm bảo cho một tương lai bền vững với đủ lương thực, cần phát triển một nền nông nghiệp xanh. Tuy nhiên, thực tế, việc phát triển nền nông nghiệp ứng phó với BĐKH cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức, một trong những khó khăn lớn nhất cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, về ứng phó BĐKH là giải quyết vấn đề cho người nghèo. Bởi lẽ người nghèo nằm trong nhóm có khả năng bị tổn thương lớn nhất do ảnh hưởng của BĐKH.

 

Do đó, để đảm bảo an ninh lương thực đòi hỏi toàn cầu phải cùng chung tay có những biện pháp ứng phó với BĐKH. Trong đó, trước hết cần có các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, cần phải có chiến lược giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ những người nông dân và trao thêm quyền cho họ để tham gia nhiều hơn vào việc ứng phó với BĐKH.

 

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải chuyển đổi đối tác hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp từ đối tác công- tư sang đối tác tư-công, để khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là huy động mọi nguồn lực để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và phổ biến thông tin, tạo điều kiện cho phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

 

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm và đang nỗ lực giảm thiểu những tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp, xây dựng kế hoạch hành động trong nông nghiệp để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm sử dụng các hóa chất độc hại. Việt Nam cũng đã luôn nỗ lực cao để đưa ra các sáng kiến nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới, những chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp sẽ tiếp tục được chú trọng, đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường áp dụng công nghệ tiến bộ vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng đến hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo chuẩn quốc tế. Đây sẽ là khâu đột phá để tạo ra nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH.

 

Gần 1 tỷ người trên thế giới đang bị đói và dự báo đến năm 2080, 600 triệu người khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vì thế đã đến lúc cần sự chung tay, hợp tác chặt chẽ mang tính toàn cầu giữa các quốc gia để vượt qua những thách thức của BĐKH. Có được sự hợp tác tốt và bền vững, sẽ mang lại lợi ích cao hơn, góp phần hạn chế được tỷ lệ đói nghèo nhiều hơn.

Phạm Hằng
Nguồn: dangcongsan.vn