Khắc phục sự cố thường gặp khi khai thác bằng lưới vây

Trong quá trình khai thác bằng lưới vây, đôi khi có các sự cố hoặc tai nạn xảy ra làm ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt và an toàn của lưới. Cần biết được nguyên nhân để có những điều chỉnh kịp thời.

Vòng vây không khép kín

Khi thả hết lưới mà vòng vây chưa khép kín là do một số nguyên nhân: thả giềng lưới và thịt lưới quá nhanh so với tốc độ vây bắt của tàu hoặc bán kính vây bắt quá lớn so với kích thước của lưới vây. Để hạn chế hiện tượng này cần thả lưới phù hợp với tốc độ vây bắt của tàu và ước lượng được bán kính vây bắt. Khi sự cố này xảy ra phải cho tàu tiến về phía phao đầu lưới, đồng thời nới dây đầu lưới của tàu và nhanh chóng thu lại ngay để khép kín hai đầu cánh lưới.

 

Rách lưới

Sự cố này thường gặp khi lưới bị mắc chà, vướng rạn san hô… Khi lưới bị rách nhỏ, không mất nhiều thịt lưới thì nhanh chóng cắt vá lưới. Còn nếu lưới rách lớn cần cắt hết phần rách rồi dùng một tấm lưới cùng loại có hình dạng giống như phần lưới bị cắt, cùng diện tích, kích thước mắt lưới, độ thô chỉ, kéo thêm nửa mắt lưới để ghép miếng lưới này vào tấm lưới.

Mô hình tàu khai thác bằng lưới vây

 

Thịt lưới bị kẹt vào vòng khuyên rút

Chiều cao lưới quá lớn so với độ sâu ngư trường thả lưới, tốc độ cuộn rút giềng rút chậm và không phù hợp, ngư trường đánh bắt có dòng chảy và sóng gió lớn là những nguyên nhân dẫn đến sự cố thịt lưới bị kẹt vào vòng khuyên rút. Để tránh hiện tượng này, không nên nắp vòng khuyên trực tiếp vào giềng chì mà phải có dây liên kết. Khi tìm hiểu ngư trường cần xác định hướng nước, hướng gió để xác định điểm thả phù hợp với lưới. Tăng tốc độ cuộn rút giềng rút một cách phù hợp tránh không để thịt lưới bị trùng quá nhiều, bị dòng nước đẩy vào các vòng khuyên rút sau đó bị giềng rút kéo chui vào các vòng khuyên rút đó. Khi lưới mới kẹp một ít vào vòng khuyên thì cần phải gỡ ngay. Nếu lưới bị chui nhiều vào vòng khuyên rút, không thể gỡ ra được cần thu lưới từ một đầu cánh lưới rồi vừa thu vừa gỡ lưới ở vòng khuyên.

 

Lưới bị vục bùn

Nguyên nhân chủ yếu là lưới có chiều cao lớn, đánh bắt ở ngư trường nông, đáy có nhiều bùn, chì giàn đều trên giềng chì. Khắc phục hiện tượng này bằng phương pháp lắp chì tập trung tại các vị trí dây buộc vòng khuyên rút trên giềng chì của lưới. Nếu lưới bị vục bùn không thể cuộn rút giềng rút được thì bắt buộc phải thu thịt lưới từ một đầu cánh lưới.

 

Lưới bị xoắn

Lưới bị xoắn chủ yếu là do không lắp các cặp dây giềng bằng các dây trái chiều xoắn hoặc do quá trình xếp lưới không đảm bảo kỹ thuật, xếp quá nhiều thịt lưới vào đống giềng phao và giềng chì… Để khắc phục sự cố, cần lắp các dây giềng đúng theo yêu cầu kỹ thuật, các cặp dây giềng phải có chiều xoắn khác nhau. Khi xếp lưới phải xếp giềng phao xếp riêng, giềng chì xếp riêng, thịt lưới xếp riêng. Khi lưới bị xoắn làm giềng phao bị kéo chìm, có thể dùng tàu phụ giữ và gỡ lưới bị cuốn vào giềng phao, nếu không được thì ta phải thu lưới từ một đầu cánh lưới và gỡ dần lưới xoắn.

 

Lưới cuốn chân vịt

Ngư trường nhiều sóng gió và dòng chảy phức tạp, tốc độ cuộn rút giềng rút quá lớn làm cho tàu tiến sâu vào trung tâm vòng vây lưới hoặc lưới bị ép vào mạn tàu gây ra sự cố lưới cuốn chân vịt trong quá trình thao tác. Để không gặp hiện tượng này không nên thả lưới trong điều kiện dòng chảy phức tạp, nhiều sóng gió. Khi thả lưới cần điều chỉnh tốc độ cuộn rút giềng rút cho phù hợp. Cần có tàu phụ kéo lùi tàu chính khi cuộn rút giềng rút. Nếu gặp sự cố này thì phải cho người lặn xuống để gỡ hoặc cắt lưới bị cuốn chân vịt. 

>> Lựa chọn ngư trường thuận lợi, khai thác theo đúng quy trình kỹ thuật sẽ hạn chế tối đa những sự cố trong quá trình khai thác bằng lưới vây.

Nguyễn Phương
theo thuysanvietnam