Khi nông nghiệp thiếu công nghệ

Khi nông nghiệp thiếu công nghệ
Tại hội thảo tìm kiếm ứng viên nhận tài trợ máy sấy và kho lạnh của một tập đoàn mới đây, hơn 50 ứng viên đã “đấu đá” nhau để ghi điểm với nhà tài trợ.

Tiêu chí để xem xét tài trợ là các ứng viên phải cho thấy được nhu cầu bức thiết đối với hai công nghệ trên nên nhiều đơn vị là hợp tác xã, doanh nghiệp từ lĩnh vực rau củ quả cho đến các lĩnh vực được xem là thế mạnh của VN như tiêu, điều, cà phê... thi nhau kể khó về hoàn cảnh của mình.

Có thể đằng sau mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã là một câu chuyện khác nhau, nhưng ở góc độ nào đó họ đang là nạn nhân của một nền nông nghiệp tạm bợ với quá nhiều rủi ro, họ chiến đấu không chỉ cho mình mà còn liên quan đến quyền lợi của những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng đói kém vẫn thường trực. Bởi với một nước nông nghiệp như VN, nhưng công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản gần như là con số 0, bao nhiêu năm qua nông dân vẫn tự bơi.

Có thể kể ra hàng loạt trường hợp nông dân phải tự xoay xở để cho thấy “cơn đói” công nghệ chế biến của nông dân VN. Chẳng hạn, trước tình trạng xoài đổ bỏ hàng tấn mỗi khi vào vụ trong khi máy chế biến buộc phải nhập với giá cao, một chủ nhiệm HTX tại Đồng Nai đã tự mày mò nghiên cứu thành công máy sấy xoài với giá thành chỉ bằng 1/6 so với hàng nhập. Nhờ đó, mùa xoài vừa qua HTX này đã không phải đổ bỏ khi xoài tươi chỉ 2.000 đồng/kg. Hay anh nông dân tại Long An sau gần ba năm tự mày mò đã cho ra đời nhà máy sản xuất rượu vang thanh long với công suất 40.000 lít/năm...

Dù là nước nông nghiệp, nhưng bao nhiêu năm qua nhiều sản phẩm bảo quản nông nghiệp, máy móc đơn giản trong sản xuất nông nghiệp hầu như phải nhập từ A-Z. Như một doanh nghiệp từng “than thở” trong một hội thảo về bảo quản trái cây rằng “nông dân chỉ cần bao bọc trái thì bao nhiêu năm qua phải đi nhập của Đài Loan mỗi năm hàng trăm triệu bao chỉ vì sản phẩm của họ chống thấm nước, còn bao VN mưa xuống là nát bét”.

NGUYỄN TRÍ

 

 

 

Tại chợ Đà Lạt chỉ còn vài người bán bông atisô tươi do giá tăng và khan hiếm - Ảnh: Mai Vinh

 

Atisô tăng giá mạnh

Ghi nhận tại các chợ ở TP Đà Lạt cho thấy bông atisô tươi lên tới giá 300.000-350.000 đồng/kg, tăng gấp ba lần so với cách nay hai tuần. Tại Thái Phiên, khu vực trồng atisô lớn nhất TP Đà Lạt, giá bông atisô tươi bán tại vườn từ 250.000-300.000 đồng/kg. Còn tại chợ Đà Lạt, rất ít tiểu thương có bông atisô tươi để bán, mà chủ yếu là thân và bẹ lá atisô nhưng giá cũng tăng cao, từ 50.000-100.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thanh Lan, một tiểu thương chuyên bán atisô tại chợ Đà Lạt, cho biết phải đi tới từng vườn tìm mua và phải là mối quen mới có hàng.

Theo Phòng kinh tế UBND TP Đà Lạt, giá bông atisô tươi tăng cao là do cuối vụ, sản lượng giảm, không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong khi đó, giá bông atisô sấy khô chỉ có giá 200.000 -250.000 đồng/kg, thấp hơn atisô tươi do giá atisô cuối năm 2013 xuống thấp, nhiều tiểu thương đã sản xuất atisô khô và dự trữ một lượng lớn.

MAI VINH
Theo tuoitre.vn