Khoa học ưu tiên cho 3 sản phẩm nông nghiệp trọng điểm

Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết định hướng sắp tới của Chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho khu vực nông thôn và miền núi (NTMN) là tập trung phát triển 3 sản phẩm quốc gia, gồm lúa gạo, cá da trơn và nấm.
Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân. Ảnh: Nguyễn Chung

"Một trong ba định hướng sắp tới của chương trình NTMN là chúng tôi căn cứ vào một số sản phẩm quốc gia mà Thủ tướng đã phê duyệt. Trong nông nghiệp và nông thôn có ba sản phẩm, đó là lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, cá da trơn và nấm ăn, nấm dược liệu. Khi lồng ghép với chương trình nông thôn mới và chương trình của Ủy ban Dân tộc, NTMN sẽ tập trung vào ba sản phẩm chính nói trên để phát huy hiệu quả của chương trình", ông Nguyễn Quân trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi" (NTMN) sáng qua.

Theo Bộ trưởng, mỗi năm Nhà nước hỗ trợ cho chương trình trên dưới 100 tỷ đồng, nếu đầu tư dàn trải cho nhiều sản phẩm và dự án thì không hiệu quả, do đó cần lựa chọn có trọng tâm.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình, ông Quân cho rằng có ba nội dung quan trọng. Thứ nhất chương trình đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết quả nghiên cứu của các cơ quan khoa học đến với bà con nông dân và với sản xuất kinh doanh. Thứ hai, chương trình nâng cao đời sống của người dân ở các vùng khó khăn, có hơn 200.000 nông dân tham gia, có 11.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo, tập huấn, đồng thời người dân được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ, các giống mới, họ thực sự có năng suất lao động cao hơn và có thu nhập tốt hơn. Thứ ba, sự huy động đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào chương trình, bên cạnh 700 tỷ của ngân sách Nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn 5 năm qua, Bộ KHCN đã huy động hơn 1.000 tỷ từ doanh nghiệp và các hộ gia đình.  Chương trình qua 17 năm khẳng định là một chương trình rất hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Theo Bộ KHCN, từ năm 1998 đến nay, chương trình đã thực hiện hơn 840 dự án tại 62 tỉnh, thành phố, xây dựng được hơn 2.500 mô hình sản xuất. Đây chính là những mẫu hình về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN có tính đại diện cho địa bàn triển khai, do chính người dân sau khi được tập huấn kỹ thuật trực tiếp thực hiện. 

Khánh Lynh - Như Tâm
Theo vnexpress.net