Không có CNTT thì đừng nói chuyện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, nếu không ứng dụng tốt CNTT thì khó có thể thực hiện được công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp.
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

Theo đánh giá của ông, năng lực sản xuất và trình độ của người nông dân Việt Nam so với các nước trong khu vực như thế nào?

Tôi muốn khẳng định, nông dân Việt Nam không thua kém nông dân các nước trong khu vực về năng lực và trí tuệ. Trong 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn: đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhiều mặt hàng xuất khẩu có thứ hạng cao trên thế giới, như gạo, cao su, tiêu, điều tôm, cá,..

Tuy nhiên vẫn phải nói sự tăng trưởng trên chủ yếu dựa vào thâm canh sản xuất, sự cần cù của người dân, dựa vào nhân lực, tài nguyên thiên nhiên có sẵn. Và ta thấy từ năm 1990 tăng trưởng từ nông nghiệp đã chậm và chững lại. Qua tổng kết cho thấy tốc độ tăng trưởng năng suất lao động nông nghiệp trung bình giai đoạn 2000 – 2013 Việt nam chỉ đạt 3,4% chưa bằng ½ so với Hàn Quốc giai đoạn 1980 – 1995, hoặc so với Trung Quốc trong cùng giai đoạn họ cũng đạt 7,5%. Thậm chí 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng nông nghiệp của ta còn tăng trưởng âm trong khi các lĩnh vực khác là dương.

Như vậy nền nông nghiệp nước ta hiện đang phát triển không bền vững do gặp nhiều bất lợi trong thời điểm hiện nay như giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp thấp; sinh lời thấp so đầu vào, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; quy mô sản xuất nhỏ, liên kết sản xuất kém.

Theo tôi, năng lực sản xuất, trình độ người nông dân Việt Nam không kém nông dân các nước trong khu vực; nhưng hiệu quả, năng suất lao động, giá trị sản xuất nông nghiệp của đa số nông dân là kém vì do họ chưa có được đủ điều kiện, môi trường, tư liệu sản xuất, phương thức sản xuất như nông dân các nước trong khu vực để sản xuất nông nghiệp vì không đủ vốn đầu tư, thiếu người hướng dẫn thế nào là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp là gì, người dân phải làm gì trước, nông dân vẫn khó khăn trong tiếp cận và ứng dụng khoa học, công nghệ; cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành liên quan chưa vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ; giao thông nội đồng nhỏ hẹp, hệ thống thủy nông nội đồng ko thuận lợi cho tưới tiêu, ruộng đất manh mún.

Theo ông CNTT đóng vai trò quan trọng như thế nào với sản xuất nông nghiệp?

Cần khẳng định CNTT là thành tố quan trọng ko thể thiếu được trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống. Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nếu không ứng dụng tốt CNTT thì khó có thể thực hiện được công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp. Còn đối với người nông dân, CNTT đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp vì đây là công cụ giúp người nông dân nhanh chóng tìm kiếm được thị trường đầu vào, đầu ra cho các loại sản phẩm, trao đổi thông tin sản phẩm, hàng hóa, tiếp tiếp thị sản phẩm của mình tới người tiêu dùng và vươn ra thị trường thế giới. CNTT còn giúp người nông dân nhanh chóng tiếp cận được với khoa học, công nghệ, công nghệ mới, từ đó có thể học hỏi, sáng tạo, cải tiến quy trình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản... Bên cạnh đó, CNTT còn giúp người dân trao đổi thông tin, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh giữa nông dân với nông dân, nông dân với các nhà khoa học, nông dân với các doanh nghiệp. Công cụ này còn giúp nông dân nhanh chóng tìm kiếm, nắm bắt được các chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước, các bộ ngành liên quan đến những vấn đề nông dân cần tìm hiểu. Với công cụ CNTT còn giúp người nông dân kiểm tra được các thông tin hàng thật, giả… Do vậy CNTT rất quan trọng với nông dân trong sản xuất nông nghiệp hiện nay để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhấp quốc tế.

Lần đầu tiên chúng ta tổ chức cuộc thi CNTT cho nông dân, ông có thể chia sẻ lý do để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quyết định phát động một cuộc thi qui mô toàn quốc như vậy?

- Nghị quyết lần thứ 12 của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, xác định rõ chủ trương “đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng KH&CN, nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia, an toàn VSTP; tổ chức lại SX, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị… khuyến khích liên kết hộ nông dân với các tổ chức tín dụng, tổ chức KHCN và doanh nghiệp”.

Góp phần thực hiện nhiệm vụ trên có vai trò của tổ chức Hội và người nông dân. Vì vậy Hội thấy cần phải làm cho người nông dân Việt Nam, những hội viên nông dân của, trụ cột của gia đình, chủ thể chính trong phát triển nông nghiệp, phải hiểu và ứng dụng tốt Công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, từng bước xây dựng giai cấp nông dân VN phát triển toàn diện, có vậy mới xây dựng đất nước trở thành đất nước công nghiệp hiện đại.

Tổ chức Cuộc thi này, để hội viên nông dân trên khắp mọi miền đất nước hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, và đời sống từ đó có vận dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người nông dân.

Trong thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp Việt Nam bắt đầu tiếp cận theo chuỗi giá trị, từ đầu vào đến đầu ra được đồng bộ, hàng hóa sản xuất ra phải nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm đó. Để làm được việc này cần phải có sự liên kết giữa Nhà Nông nghiệp – Nhà khoa học và các doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về sự liên kết này ở Hội Nông dân thưa ông?

Đúng là trong tham gia nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện như hiện nay, sản xuất nông nghiệp Việt Nam cần phải sản xuất lớn, hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải an toàn, chất lượng, đáp ứng được qui chất hàng hóa của các nước trong khu vực và thế giới. Và như vậy nông dân Việt Nam cũng phải thực hiện qui trình sản xuất, phương thức sản xuất như nông dân các nước. Đồng nghĩa nông dân phải hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất, kinh doanh, nông dân phải có sự liến kết chặt chẽ với doanh nghiệp, các nhà khoa học.

Vì một hộ nông dân không thể vừa sản xuất ra sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ, lại biết đi bán cho người tiêu dùng, biết xuất khẩu, biết chọn giống, thành thạo kỹ thuật chăm sóc, chế biến, bảo quản,.. đó là điều không thể. Vì vậy nông dân thời hiện nay sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh phải có sự liên kết chặt chẽ của các thành phần trên, có như vậy sản xuất của nông dân mới duy trì và phát triển bền vững được.

Thấy được điều này, nhiều năm qua, cũng như hiện nay và thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam đã, đang và tiếp tục, chỉ đạo, hướng dẫn, làm cầu nối cho hội viên nông dân trong thực hiện mối liên kết này. Trung ương Hội chỉ đạo các cấp Hội trong cả nước tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở khoa học trên nhiều lĩnh vực (tạo vốn, đầu vào vật tư nông nghiệp, chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra cho các sản phẩm). Tiếc rằng đến nay số lượng, hiệu quả của sự liên kết trên vẫn còn ít và hiệu quả chưa cao, chưa bền vững.

Cảm ơn ông!

NT (Thực hiện)
ICTNews