Không làm được thì... mua!

Đất nước Israel nhỏ bé không hề có “rừng vàng, biển bạc”, ngược lại, phải hứng chịu điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, song vẫn được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều kinh tế gia kết luận: Người Israel đã làm thay đổi “bộ mặt” nền nông nghiệp thế giới nhờ những sáng kiến, phương pháp khoa học tuyệt vời.
Không làm được thì... mua!
 Đó là công nghệ tưới nhỏ giọt, nuôi cá trong sa mạc, sản xuất thực phẩm từ khí nhà kính, kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học, tạo những hạt giống chất lượng cao...
Trong đó có một sáng kiến hết sức đơn giản mà hiệu quả cao: “Kén” tồn trữ lương thực. Với các phương pháp tồn trữ truyền thống, 50% lượng ngũ cốc thu hoạch bị tổn thất là do côn trùng và ẩm mốc. Tại nhiều quốc gia, nông dân chỉ tồn trữ lương thực thu hoạch bằng các phương tiện thô sơ như giỏ, bồ, túi, bao tải... những thứ không thể bảo vệ lương thực thoát khỏi sự đói khát của côn trùng và các tác nhân gây hại khác. Và, sản phẩm “kén” tồn trữ lương thực chính là giải pháp đơn giản, rẻ tiền cho nông dân tồn trữ lương thực sau thu hoạch hiệu quả nhất. Nó đơn giản chỉ là một chiếc túi khổng lồ giúp lương thực tránh tiếp xúc với không khí và độ ẩm, đang được sử dụng rộng rãi ở châu Phi, Trung Đông...
Bất giác liên tưởng đến vựa lúa miền Tây Nam bộ. Giá như ở đây có những chiếc “kén” của Israel chắc những cuộc tranh luận “nóng đầu” về hệ thống kho tồn trữ lúa gạo đã chấm dứt từ lâu! Và nữa, vì sao mới có Hoàng Anh Gia Lai “chơi trội” mua công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel ứng dụng cho những vườn cao su ở Lào, Campuchia, hoặc chỉ riêng TH Truemilk học và làm theo công nghệ nuôi bò sữa của Israel?
Nếu không nghiên cứu, làm ra được những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thì... mua, tại sao không?
Minh Hạnh
theo baocongthuong