Khuyến nông có sự tham gia: Mô hình cần nhân rộng

Khuyến nông có sự tham gia: Mô hình cần nhân rộng
Nhằm giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, năm 2008, Chương trình “Khuyến nông có sự tham gia” (PAEX) do Tổ chức Hợp tác phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng (VVOB - Bỉ) tài trợ, được triển khai tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước. Nhờ chương trình này, hệ thống khuyến nông tại 2 tỉnh được cải thiện rõ rệt, đồng thời, với việc thành lập các CLB khuyến nông có sự tham gia (CLB PAEX), bà con đã được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với cán bộ khuyến nông.

Nông dân tham gia chương trình được nâng cao kỹ thuật trong sản xuất.

VVOB bắt đầu hợp tác với Việt Nam từ năm 1992 và đến giai đoạn 2001-2007 đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL thực hiện dự án khuyến nông có sự tham gia của người dân tại An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau. Đồng thời, VVOB cũng hợp tác với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thực hiện dự án khuyến nông cho người nghèo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2005-2007). Các chương trình thực hiện trong thời gian này đã đem lại nhiều kinh nghiệm, bài học thực tiễn trong phương pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của hoạt động khuyến nông, được các địa phương tích cực tham gia.

Chị Phan Thị Hoa ở ấp Cầu Mới, xã Sông Xoài (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) tâm sự: “Năm 2008, khi chương trình PAEX được triển khai tại địa phương, chúng tôi được tham gia sinh hoạt CLB PAEX, nhờ đó đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cách chọn giống, bón phân, chăm sóc cây trồng, do vậy, khi về áp dụng vào chăm sóc vườn tiêu, gia đình đã thu được kết quả rõ rệt, tiêu không bị chết nhiều như trước”.

Anh Lê Văn Thân, thành viên CLB PTD (CLB phát triển kỹ thuật có sự tham gia ở ấp 8, xã Lộc Thuận - Lộc Ninh - Bình Phước) cho hay, trước kia kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào 2 vụ điều, càphê và chăn nuôi gà, vịt, tuy nhiên, phấn đấu mãi cũng chỉ đủ ăn. Từ ngày tham gia vào CLB, được tham quan, học hỏi cách làm của nhiều nông dân khác và thấy việc chăn nuôi gia cầm phù hợp với gia đình nên tôi bắt tay vào việc tự chế máy ấp trứng gà, ngan với công suất ấp nở từ 700-1.000 trứng/mẻ. Do vậy, đàn gia cầm của gia đình ngày càng phát triển, từ chỗ chỉ nuôi đủ ăn, đến nay gia đình anh còn cung cấp giống gà, ngan cho bà con khắp nơi. 

“Tham gia vào CLB, tôi được tiếp cận nhiều kiến thức kỹ thuật mới, nắm bắt thông tin thị trường và liên kết với các hội viên khác để mở rộng quan hệ làm ăn, tìm đầu ra cho sản phẩm”, anh Thân nói.

Ông Vũ Văn Thắng, Chủ nhiệm CLB PTD ấp 8, xã Lộc Thuận chia sẻ: “Thực tế là hầu hết thành viên trong CLB đều được các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nên dễ tiếp cận và áp dụng vào thực tế”.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, ưu điểm của phương pháp khuyến nông có sự tham gia là nông dân có thể trực tiếp thảo luận các vấn đề khó khăn của mình, cùng cán bộ khuyến nông kiểm tra, đánh giá mô hình, trong khi các mô hình trước đây chủ yếu do cán bộ khuyến nông tự đánh giá. Từ đó, chương trình góp phần tăng mối liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với cán bộ khuyến nông trong quá trình chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi khoa học kỹ thuật.

Đánh giá về kết quả của chương trình, ông Wilfried Theunis, Giám đốc VVOB tại Việt Nam cho biết, sau 5 năm triển khai, chương trình đã hỗ trợ thành lập được gần 100 CLB khuyến nông PTD, tiến hành thực hiện trên 400 mô hình thực nghiệm; xây dựng được đội ngũ giảng viên nòng cốt ở các địa phương và đã tổ chức hàng trăm khóa tập huấn cho 4.123 học viên là nông dân và cán bộ khuyến nông. Với những kết quả đó, VVOB đang có kế hoạch nhân rộng mô hình.

Minh Tuấn

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn