Kiên Giang: Lúa CXT 30 vượt trội trên đất Tân Hiệp

Kiên Giang: Lúa CXT 30 vượt trội trên đất Tân Hiệp
Ngày 25/2, Cty CP Công nông nghiệp sạch Việt Nam (CNNS) tổ chức hội thảo đánh giá quy trình, hiệu quả canh tác giống lúa thuần CXT30 tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp, Kiên Giang) thu hút gần 200 đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân trong vùng.

Giống lúa thuần CXT30 do PGS.TS Tạ Minh Sơn, Anh hùng Lao động, nguyên Viện trưởng Viện KHKT Việt Nam và ThS Nguyễn Thị Ánh Tuyết lai tạo và chọn lọc thành công vào năm 2008 và được đưa vào khảo nghiệm và SX thử trên nhiều vùng sinh thái khác nhau từ Bắc vào Nam đều cho năng suất rất cao.

Tại Tân Hiệp, lần đầu tiên giống CXT30 được ông Võ Văn Nhẫn, GĐ Cty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Kiên Giang đưa về trồng thử nghiệm trên địa bàn trong vụ lúa ĐX 2013 - 2014. Kết quả đánh giá trên đồng ruộng cho thấy, giống lúa này có tính thích nghi tốt, kháng sâu bệnh, ruộng lúa đẹp hơn hẳn so với ruộng đối chứng liền kề sử dụng giống IR 50404 và Jasmine 85. Đặc biệt, CXT30 có thời gian sinh trưởng cực ngắn, sớm hơn cả giống IR 50404 bên ruộng đối chứng từ 3 - 5 ngày.

Ông Võ Văn Nhẫn cho biết, một lần tình cờ tìm hiểu trên mạng thấy có những bài viết về giống lúa CXT30 thích nghi với nhiều điều kiện sinh thái và cho năng suất “khủng” 9 - 10 tấn/ha, nên đã tìm cách liên hệ với tác giả để được hướng dẫn cụ thể. Vụ đầu tiên ông Nhẫn đã mạnh dạn đưa vào SX trên diện tích 7 ha (Tân Hiệp 5 ha và 2 ha ở vùng tứ giác Long Xuyên).

“Giống lúa CXT30 có nhiều ưu điểm vượt trội như mật độ gieo sạ thưa (60 - 80 kg giống/ha), đẻ nhánh rất khỏe và ít bị sâu bệnh tấn công.
 
Cụ thể vụ lúa ĐX 2013-2014, ruộng lúa sử dụng giống CXT30 chỉ phải phun xịt 1 đợt thuốc trừ bù lạch và sâu cuốn lá (chi phí khoảng 1 triệu đồng/ha, kể cả công phun), trong khi đó ruộng đối chứng phải phun xịt sâu, bệnh và rầy nâu tới 5 - 6 đợt (tốn 7 - 8 triệu/ha). Về năng suất, ước tính CXT30 sẽ đạt trên 10 tấn lúa tươi/ha (trên 8 tấn lúa khô) dù phải chờ 10 ngày nữa mới cho thu hoạch”, ông Nhẫn nói.

Ông Lê Văn Thanh, Bí thư Chi bộ ấp Tân Thạnh đánh giá rất cao về tính thích nghi của giống lúa CXT30. “Đây mới là vụ thử nghiệm đầu tiên trên địa bàn nhưng nhìn dàn lúa hiện tại có thể đánh giá kết quả là rất tốt, năng suất vượt trội hơn cả giống IR 50404 và Jasmine. Tuy nhiên, chúng tôi đang chờ ngày thu hoạch để công bố số liệu chính thức”, ông Thanh hồ hởi.

ThS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, đồng tác giả CXT30 cho biết: Mong muốn của người tạo giống là đưa đến cho nông dân một giống lúa dễ canh tác, cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt và đặc biệt là kháng được sâu bệnh, hạn chế phải sử dụng thuốc hóa học, bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe người dân, nhằm đảm bảo tiêu dùng nội địa và xuất khẩu với giá trị cao. 

Thực tế, ruộng lúa sử dụng giống CXT30 tại ấp Tân Thạnh hiện nay, cá tép phát triển rất nhiều, một minh chứng cụ thể cho quy trình SX sạch mà nhiều người có thể kiểm chứng.

PGS.TS Tạ Minh Sơn cho biết, thực tế thử nghiệm từ năm 2008 cho đến nay cho thấy, giống lúa này thích nghi rất tốt trên nhiều nền ruộng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Riêng tại vựa lúa ĐBSCL, giống lúa này được đưa vào thử nghiệm từ năm 2012, đến nay đã được trồng tại 6 tỉnh, thành đều cho kết quả tốt.

Ngoài ưu điểm về thời gian sinh trưởng ngắn, dễ canh tác, thích nghi trên nhiều vùng sinh thái, kháng sâu bệnh tốt, năng suất cao, CXT 30 còn có khả năng tái sinh rất khỏe. Sau khi thu hoạch (cắt ½ cây) nếu được chăm sóc tốt, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật thì chỉ khoảng 40 - 45 ngày sẽ cho thu hoạch tiếp vụ lúa thứ 2 với năng suất từ 3 - 4 tấn/ha.

Theo NNVN