Kim Sơn (Ninh Bình): Nông dân sáng tạo để nuôi tôm hiệu quả, bền vững hơn
- Chủ nhật - 05/03/2017 22:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Kim Sơn. Ảnh: Đức Lam
Thâm canh trong nhà kín
Khu nuôi tôm 7 ha của nhóm hộ Nguyễn Hải Đường, Lê Ngọc Quyết, Vũ Hồng Sơn, Vũ Thanh Bình, Vũ Hữu Trung ở khối 2, thị trấn Bình Minh nổi bật giữa cánh đồng. Hệ thống hạ tầng đường, điện… được đầu tư khá bài bản. Các ao nuôi được bao bọc bởi hệ thống nhà kín kiên cố, kiểm soát được môi trường nước, không khí, nhiệt độ; các thông số môi trường ao nuôi, khâu cho ăn, sức khỏe tôm… được kiểm soát tự động.
Chia sẻ với chúng tôi về bước đi mang tính đột phá của các thành viên khi bỏ ra số tiền khá lớn để đầu tư vào mô hình sản xuất nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, anh Nguyễn Hải Đường - đại diện nhóm hộ kể: Tôi nuôi tôm đến nay đã ngót chục năm, nhận thấy tôm chính vụ thường bị ép giá, hơn nữa mấy năm gần đây dịch bệnh bùng phát, hầu như vụ nào, gia đình nào cũng xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt.
Từ đó, anh em nảy ra ý tưởng phải làm như thế nào để thứ nhất là nuôi được tôm trái vụ, thứ hai là tăng hiệu suất sử dụng đất đai, giảm tối đa ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh lên con tôm.
Sau đó, chúng tôi đã trực tiếp đi học hỏi cách làm ở một số tỉnh miền Nam và đến cuối năm 2016 vừa rồi thì quyết định xây dựng khu nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trong nhà kín. Mục đích là phát triển kinh tế cho gia đình, đồng thời tìm hướng giúp bà con nuôi tôm phát triển một cách bền vững hơn, tránh lãng phí tài nguyên ao đầm.
Sau hơn 3 tháng thả nuôi, đã cho những kết quả khá khả quan, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt 100-110 con/kg. Với 4 ao, mỗi ao có diện tích 2.800 m2, mật độ nuôi 120 con/m2 dự kiến sau 1 tháng nữa chúng tôi sẽ thu về gần 20 tấn tôm.
Đặc biệt, do sản xuất trái vụ cộng thêm việc tôm được nuôi theo quy trình an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học, hoàn toàn không có kháng sinh và hóa chất nên sản phẩm làm ra chắc chắn sẽ tiêu thụ dễ dàng và giá bán cao hơn so với tôm nuôi thông thường.
Về những ưu điểm mà mô hình nuôi tôm mang lại, anh Đường cho biết: Với mô hình này, hiện tại chưa phát hiện dịch bệnh ở tôm trong hệ thống nhà nuôi. So với các ao nuôi đối chứng bên ngoài với cùng một đàn tôm giống và cùng một quy trình xử lý như nhau thì tôm nuôi trong nhà kín hệ số sử dụng thức ăn tốt hơn, năng suất cao hơn, thời gian nuôi ngắn hơn.
Mặt khác, với mô hình nuôi tôm trong nhà kín có thể sản xuất quanh năm, không cần tuân thủ theo lịch mùa vụ, như khí hậu ở miền Bắc 1 năm có thể nuôi 3 vụ thay vì 1 vụ như trước đây.
Về mặt hạn chế của mô hình này, anh Đường cho biết chi phí đầu tư rất cao, cần khoảng 600 triệu đồng để đầu tư ao nuôi 3.000 m2, gồm căng lưới bạt bao phủ, xây tường xung quanh ao nuôi, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống quạt, ôxy đáy... Được biết, sắp tới nhóm hộ này có ý định làm thêm 6 nhà nuôi tôm nữa, đồng thời làm các thủ tục để sản phẩm tôm của mình được chứng nhận VietGAP.
Ao nhỏ, hiệu quả lớn
Không có kinh phí để đầu tư nuôi tôm trong nhà kín, hiện nay một số hộ nông dân ở Kim Đông, Kim Hải lại đang có một cách làm khác khá hiệu quả đó là nuôi tôm trong ao nhỏ. Ao nuôi loại này diện tích chỉ dao động từ 300-500 m2, thiết kế dạng hình vuông, bo 4 góc, lót bạt hoặc đổ bê tông toàn bộ nền đáy và bờ ao.
Độ sâu của ao phụ thuộc vào diện tích bề mặt, được thiết kế để có thể đảm bảo mực nước từ 1,3 – 1,7 m. Một khu nuôi thường được bố trí gồm 3-5 ao nuôi, 1 ao ương và 1 bể chứa nước cấp bù; tổng mức đầu tư 1 khu nuôi 1 ha khoảng 300 triệu đồng.
Nuôi tôm mô hình ao nhỏ hơn 1 năm nay, anh Nguyễn Văn Tính ở xóm 2, Kim Hải cho biết: Lúc trước nuôi 2 ao lớn, mỗi ao hơn 1.000 m2, năm nào được mùa tôi chỉ thu được tối đa 2 tấn tôm. Từ khi chia thành các ao nhỏ 200 m2 thì quản lý dễ hơn, tổng sản lượng lên tới 3 tấn.
Quan trọng hơn, khi muốn nâng kiềm hay xử lý nước thì có thể thấy hiệu quả hơn vì ao nhỏ, mức độ khuấy đảo tốt. Anh Tính khẳng định: “Với điều kiện hiện nay, xét về hiệu quả sản xuất và khả năng kiểm soát rủi ro, việc đầu tư ao nuôi nhỏ, hợp lý hơn nhiều so với nuôi diện tích lớn mà đầu tư không xứng tầm”.
Ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản cho biết: Hiệu quả nuôi tôm ao nhỏ được thể hiện dưới nhiều góc độ. Thứ nhất, khả năng kiểm soát môi trường và mầm bệnh tốt hơn, cho phép nuôi mật độ cao (80-120 con/m2) để cải thiện năng suất.
Thứ hai, hiệu quả cao hơn khi cần nhanh chóng thay đổi hoặc cải thiện môi trường nuôi, tiết kiệm chi phí sản xuất (hóa chất, vôi, vi sinh, thức ăn, nhân công), nhờ đó có cơ hội giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Ao nhỏ còn phù hợp với quy mô và giá cả của các trang thiết bị hỗ trợ hiện có trên thị trường như hệ thống cung cấp ôxy hòa tan (quạt nước, sục khí đáy hoặc sục lủi).
Cần nhân rộng
Hai mô hình trên đây là những minh chứng cho thấy hiệu quả sản xuất tôm sẽ được cải thiện nếu hệ thống nuôi, quy trình kỹ thuật được đầu tư đúng mức, linh hoạt điều chỉnh theo sự biến đổi của thời tiết, thị trường và điều kiện sản xuất. Để nhân rộng các mô hình này trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc tuyên truyền của các ngành chuyên môn cũng như chính quyền các địa phương.
Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Chung Phụng cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp &PTNT, UBND huyện Kim Sơn đã trực tiếp đi thăm mô hình nuôi tôm trong nhà kín của nhóm hộ ở khu 2, thị trấn Bình Minh nêu trên. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá rất cao mô hình, đồng thời chỉ đạo địa phương quy hoạch vùng nuôi, tạo điều kiện cho người dân nhân rộng mô hình…
Ông Đào Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải cho biết: “Với 485 hộ nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích nuôi trên 280 ha, Kim Hải xác định kinh tế thủy sản vẫn là chủ đạo. Tuy nhiên, để đưa kinh tế thủy sản bứt phá đi lên thì cần phải thay đổi. Chúng tôi đã tổ chức họp bàn với các hộ nuôi lớn trên địa bàn để bàn các giải pháp nuôi sao cho hiệu quả hơn, trong đó đưa các con nuôi mới vào, đặc biệt là các đối tượng nuôi ghép với con tôm.
Song song với đó, phối hợp với cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Trạm Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tăng cường tập huấn, thử nghiệm, nhân rộng các mô hình mới, cách nuôi mới. Chúng tôi cũng đã và sẽ tạo mọi điều kiện khuyến khích các cơ sở sản xuất, hộ gia đình tích cực, mạnh dạn đổi mới quy trình, sáng tạo để giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh”.
Tuy nhiên, theo ông Đào Văn Tuấn thì chính quyền và nhân dân trong xã mong muốn Nhà nước và tỉnh cần có những chính sách vĩ mô điều chỉnh, quy hoạch lại sản xuất; đầu tư thích đáng cho hệ thống cơ sở hạ tầng nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát chất thải, dịch bệnh, thúc đẩy sản xuất theo hướng chất lượng...
Như vậy, với những sáng tạo không ngừng của người nông dân, sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn, chúng ta có thể kỳ vọng vùng kinh tế biển Kim Sơn sẽ phát triển mạnh với nghề nuôi tôm hiệu quả, bền vững.
Hà Phương
Báo Ninh Binh