Kỹ thuật trồng cà rốt an toàn

Kỹ thuật trồng cà rốt an toàn
Cà rốt là cây trồng có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, được dùng để ăn tươi và chế biến thành sản phẩm hàng hoá. Để giúp nông dân sản xuất cà rốt theo hướng hàng hoá, sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập, Thông tin Khuyến nông Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật trồng cà rốt như sau:

 

 

1. Thời vụ

 

Có thể trồng cà rốt từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau.

 

- Vụ sớm: Gieo tháng 7 - 8, thu hoạch vào tháng 10 - 11.

 

- Chính vụ: Gieo tháng 9 - 10, thu hoạch tháng 12 - tháng 1 năm sau.

 

- Vụ muộn: Gieo tháng 1 - 2, thu hoạch tháng 4 - 5.

 

2. Chuẩn bị đất trồng

 

- Cà rốt ưa các loại đất có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp. Chọn đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha, đất bãi phù sa ven sông để trồng là tốt nhất.

 

- Xử lý đất trước khi gieo hạt: Trước khi gieo hạt từ 2-3 ngày, cần xử lý đất bằng cách rải thuốc trừ sâu Diazan 10H hoặc Regent... và phun thuốc trừ bệnh Validacin, Anvil hoặc Tilt super... để diệt trừ côn trùng cắn phá rễ, thân (sùng trắng, sâu xám, sâu khoang) và các loại nấm gây thối rễ, củ.

 

- Đất trồng cà rốt cần làm kỹ, nhặt cỏ, lên luống rộng 1,0 - 1,2 m; cao 30 - 40 cm, rãnh rộng 20 - 30 cm.

 

3. Gieo hạt

 

- Cà rốt để liền chân (không trồng cây con, mà gieo hạt rồi chăm sóc cây cho đến khi thu hoạch), gieo vãi hạt trên mặt luống với lượng khoảng 100 g/sào Bắc Bộ (tương đương 2,8 - 3,2 kg/ha).

 

- Do hạt cà rốt có vỏ và lông cứng, khó thấm nước nên cần phải xử lý hạt giống và ủ thúc trước khi gieo. Cho hạt giống vào túi vải, vò kỹ cho gãy hết lông cứng. Sau đó, trộn hạt giống với đất mùn tỷ lệ 1/1, tưới nước giữ ẩm trong 2 - 3 ngày thì đem gieo, hạt sẽ mọc đều.

 

- Gieo hạt xong, rắc một lớp đất bột mỏng lên hạt rồi dùng rơm rạ băm nhỏ phủ đều luống và tưới ẩm.

 

- Để dễ chăm sóc, nên gieo thành hàng ngang luống với khoảng cách 20 cm, khi cây mọc đều tỉa bớt cây xấu, kết hợp xới vun và nhặt cỏ cho cây.

 

4. Bón phân


- Lượng phân bón cho 1 sào Bắc Bộ (360 m2) như sau: 300-500 kg phân hữu cơ ủ hoai mục + 15-20 kg lân supe + 20 kg đạm urê + 30 kg kali.

 

- Phương pháp bón: Để cây cà rốt tập trung dinh dưỡng phát triển củ được tốt, không phát triển thân lá quá mức, nông dân nên tập trung bón lót là chủ yếu (50 - 60% lượng phân vô cơ của cả vụ) và không nên bón thúc làm nhiều lần.

 

+ Bón lót: bón toàn bộ lượng phân hữu cơ và phân lân + 10-12 kg phân đạm urê + 16-18 kg kali. Sau khi lên luống, rải phân đều trên mặt ruộng, trộn đảo kỹ và lấp một lớp đất mỏng lên trên trước khi gieo hạt.

 

+ Bón thúc lần 1: sau khi tỉa định cây, bón 6-8 kg urê + 4-5 kg kali.

 

+ Bón thúc lần 2: khi cây cà rốt bắt đầu phát triển củ (khoảng 60 - 65 ngày sau gieo), bón 2-3 kg urê + 6-8 kg kali.

 

5. Chăm sóc

 

Tưới nước: Sau khi gieo, mỗi ngày tưới 1 lần vào sáng sớm để cà rốt mọc đều. Khi cây cà rốt đã mọc, cần thường xuyên tưới nước giữ ẩm (2-3 ngày tưới 1 lần tuỳ thời vụ và loại đất); đặc biệt là giai đoạn hình thành củ, cây cà rốt cần được cung cấp đủ nước cho sự sinh trưởng và phát triển của củ. Cần sử dụng nước sạch để tưới. Nếu có điều kiện nên sử dụng nước giếng khoan, có thể tưới nước từ các sông, ao, hồ không bị ô nhiễm.

 

Tỉa cây: Khi cây mọc cao 5-7cm, tiến hành tỉa lần 1, nhổ bớt những cây xấu mọc chen chúc, chỉ giữ lại khoảng cách cây cách nhau 5-7cm là vừa.

 

Xới xáo và vun luống: Cà rốt rất cần đất tơi xốp để phát triển củ. Vì vậy, một vụ cà rốt cần xới xáo và vun luống tối thiểu 2 lần kết hợp với bón phân thúc. 

 

+ Lần 1: Sau khi tỉa định cây, làm cỏ, xới xáo và vun nhẹ nhằm giúp cây ăn sâu xuống hơn, tạo tiền đề cho sự phát triển của củ.

 

+ Lần 2: Khi cây cà rốt bắt đầu phát triển củ, dùng cuốc vét đất ở rãnh luống phủ lên mặt luống sao cho lấp kín củ giúp cho củ không bị xanh đầu do bị tiếp xúc với ánh sáng.

 

6. Phòng trừ sâu bệnh

 

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh kịp thời để phòng trừ. Áp dụng biện pháp IPM và phòng bệnh là chính. Khi mật độ sâu vượt ngưỡng giới hạn cho phép, ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học (nhóm thảo mộc và nhóm vi sinh). Chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và tuân thủ hướng dẫn trên bao bì.

 

Cần theo dõi và phòng trừ sâu vẽ bùa, sâu xám, sâu khoang, rệp...; bệnh lở cổ rễ, thối gốc mốc sương, thối khô củ (do nấm), thối ướt thân, củ (do vi khuẩn)...

 

7. Thu hoạch

 

Khi các lá dưới chuyển màu vàng, các lá non ngừng sinh trưởng, vai củ tròn đều thì cần thu hoạch ngay để đạt chất lượng cao.

 

Thu hoạch vào những ngày khô nắng. Nhổ củ, làm sạch đất, rửa bằng nước sạch và cắt bớt phần lá, chỉ để lại đoạn cuống dài 15-20 cm.

 

Theo tờ tin KNVN 12/2012