Lâm Ðồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Không kể Ðà Lạt đang hướng tới thành phố du lịch nghỉ dưỡng, thì nền kinh tế tỉnh Lâm Ðồng chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Nhưng để phát huy lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm phải dựa vào khoa học và công nghệ (KH và CN). Lâm Ðồng có chủ trương từ nay đến năm 2015, triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).

 


 
Nông dân Đà Lạt trồng hoa theo mô hình nhà lưới.  
 

Ði trên mọi nẻo đường, góc phố Ðà Lạt, du khách có thể bắt gặp các loài hoa đang khoe sắc, tỏa hương. Nhưng phải đến khu vực Thung lũng tình yêu,  mới thấy được vẻ muôn hồng, nghìn tía đậm đặc nơi thành phố cao nguyên này. Bước nhẹ nhàng giữa những luống hoa dài tít tắp được bao quanh các nhà lưới, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty  cổ phần công nghệ sinh học (CPCNSH)  Rừng hoa Ðà Lạt Nguyễn Ðình Sơn chia sẻ: Ban đầu là sự ham mê với nghề trồng hoa, cây cảnh, tôi nảy ra ý tưởng xây dựng một cơ sở chuyên tạo ra các giống hoa cung cấp cho các hộ gia đình trong thành phố. Khi điều kiện thuận lợi thì mở rộng thị trường ra các tỉnh và xuất khẩu. Từ ý tưởng đó và sự giúp đỡ của Sở KH và CN Lâm Ðồng cũng như chính quyền địa phương, năm 2004, Công ty CPCNSH Rừng hoa Ðà Lạt, một doanh nghiệp KH và CN đầu tiên của cả nước được ra đời. Từng bước nâng dần quy mô, đến nay công ty đã có hai phòng Labô với diện tích 4.000 m2, vườn ươm 2,5 ha, trang thiết bị hiện đại có thể sản xuất hơn 20 triệu cây hoa giống/năm. Bằng phương pháp Invitro quy mô công nghiệp, hiện nay Công ty CPCNSH Rừng hoa Ðà Lạt cung cấp khoảng hơn 800 nghìn cây hoa giống/tháng. Một phần nhỏ phục vụ thị trường trong nước, còn lại mỗi tuần một chuyến bay, giống các loài hoa ly ly, đồng tiền, sa lem, cẩm tú cầu, lan hồ điệp... từ Ðà Lạt được xuất sang các nước Hà Lan, Bỉ, Ðan Mạch. Và thật mát mắt, khi ta bước vào khu trưng bày  có diện tích 1.200 m2 nằm bên Thung lũng tình yêu, nơi đây trưng bày 2.000 chậu hoa của hơn 100 loài hoa, cây cảnh nhiệt đới và cận nhiệt đới, phục vụ du khách tham quan.

Nằm trên thung lũng Ðạ Ðum, huyện Lạc Dương, bên trục đường 723 nối liền Ðà Lạt - Nha Trang là Công ty cổ phần Nguyên Long, chuyên nuôi trồng, chế biến và kinh doanh các loại nấm ăn, nấm dược liệu. Tiến sĩ Trương Bình Nguyên, phụ trách kỹ thuật của công ty cho chúng tôi biết: Trang trại có diện tích mặt bằng hơn 10.000 m2, nhưng do mới đi vào hoạt động nên trước mắt, sản phẩm đưa ra thị trường chưa được nhiều (khoảng 80 đến 100 kg nấm tươi/ngày), chủ yếu là loại nấm hương. Công ty đang có kế hoạch đầu tư xây dựng và hoàn thiện các khu nuôi trồng nấm cẩm thạch, nấm mỡ, nấm đùi gà, nấm hồng ngọc và sinh khối đông trùng hạ thảo. Sản xuất giống cũng như nuôi trồng các loại nấm tại đây được thực hiện theo quy trình công nghệ của Nhật Bản (luôn bảo đảm nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm thích hợp, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu). Trong đó, khu nuôi cấy phôi được trang bị dây chuyền tự động hóa nhằm đạt tới 300 kg giống nấm/ngày và khoảng 500 - 600 kg nấm ăn các loại/ngày vào năm 2015, để cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng, siêu thị. Ðồng thời ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong việc nghiên cứu các sản phẩm của Công ty cổ phần Nguyên Long góp phần hoàn thiện bộ sưu tập giống nấm trên địa bàn Tây Nguyên.  Tiến sĩ Nguyên cho biết, phấn đấu trong tương lai không xa, bên cạnh các thương hiệu rau Ðà Lạt, hoa Ðà Lạt, trà BếLao sẽ có nấm Ðà Lạt phục vụ đời sống nhân dân trong vùng...

Bên cạnh yếu tố thuận lợi về đất đai và khí hậu thời tiết (nhiệt độ trung bình quanh năm ở mức 20 - 22oC), Lâm Ðồng xác định muốn phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ giữa KH và CN với sản xuất, kinh doanh; coi KH và CN là yếu tố quyết định nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa... Bởi vậy, hàng chục năm nay, số đề tài, dự án nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kế hoạch - kỹ thuật vào lĩnh vực sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh thường chiếm 65 - 70%. Một cán bộ quản lý khoa học (Sở KH và CN Lâm Ðồng) cho biết, từ năm 2005 đến nay, phần lớn các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào chọn, tạo giống mới các cây trồng chủ lực như rau, hoa, chè, cà-phê. Ðồng thời, từng bước cơ giới hóa trong sản xuất để giảm thiểu tiêu hao sức lao động. Loại bỏ dần lối canh tác truyền thống, một số đề tài, dự án, qua thực tế được ứng dụng rộng rãi và đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn như "Áp dụng các giải pháp kỹ thuật và tiến bộ KH và CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà-phê vối tại Lâm Ðồng", "Quy trình công nghệ chiết xuất các chất có hoạt tính sinh học trong cây Atisô", "Công nghệ xử lý, bảo quản và đóng gói một số loại hoa cắt cành cho xuất khẩu", "Thiết kế, chế tạo nhà lưới, nhà màng phù hợp các vùng sinh thái" phục vụ phát triển hàng nghìn ha rau, dâu tây và các loại hoa tại Ðà Lạt, Ðơn Dương, Ðức Trọng... Ðáng chú ý, ứng dụng các thành tựu của CNSH, nắm bắt nhu cầu thị trường và biết đầu tư đúng hướng, vài năm trở lại đây ở Lâm Ðồng đã xuất hiện hàng trăm doanh nghiệp tư nhân kiểu như Thanh Sang ở xã Ða Rôn (huyện Ðơn Dương) có hai vườn lan diện tích hơn 10 nghìn m2, hằng năm đưa ra thị trường 60 nghìn sản phẩm hoa lan các loại: Công ty Khánh Vân, xã Ðạ Sa (huyện Lạc Dương), sang tận U-crai-na mua giống cá tầm về nuôi theo phương pháp cá nước lạnh. Nhiệt độ thích hợp, tuân thủ quy trình kỹ thuật đã được chuyển giao, Công ty Khánh Vân hy vọng với 25 - 30 nghìn con giống, một, hai năm tới sẽ cho thu nhập hiệu quả gấp hai, ba lần so với phương pháp nuôi cá truyền thống. Ði theo hướng NNCNC, không ít địa phương ở Bảo Lộc, Ðà Lạt, Ðức Trọng, Ðơn Dương từ năm 2010 đến nay có mức thu nhập đạt từ 75 triệu đến gần 90 triệu đồng/ha đất canh tác. Một tín hiệu vui, đến nay, Lâm Ðồng có hơn 50 cơ sở nuôi cấy mô, kết hợp kỹ thuật gieo ươm, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng hai tỷ cây giống các loại. Ðây là cơ sở để tỉnh bước đầu quy hoạch được vùng chuyên canh sản xuất rau, hoa, dâu tây, chè, cà-phê... có diện tích gần 6.500 ha theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Hơn năm năm qua, từng bước phát triển NNCNC đã tạo điều kiện cho Lâm Ðồng tổ chức lại sản xuất, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại; góp phần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cũng từ đây Lâm Ðồng thu hẹp khá nhanh diện nghèo đói trong đồng bào các dân tộc, đồng thời không ngừng gia tăng tỷ lệ giàu có và khấm khá trên địa bàn. Nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới, giữa tháng 5-2011, Tỉnh ủy Lâm Ðồng đã có Nghị quyết số 05 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011 - 2015. Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng cho biết: Mục tiêu mà nghị quyết đề ra là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH và CN vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phù hợp các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế... xây dựng và xác lập thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, đặc thù của tỉnh; phát triển nền nông nghiệp Lâm Ðồng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại và bền vững. Trên cơ sở đó phấn đấu đến năm 2015, có hơn 10% diện tích đất canh tác của tỉnh được sản xuất bằng ứng dụng công nghệ cao; từ đó nâng tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu lên khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh...

Lâm Ðồng cũng đang từng bước khắc phục các hạn chế, như việc liên kết "bốn nhà" còn lỏng lẻo, tiến độ triển khai các dự án NNCNC còn chậm, một số mô hình xây dựng chưa phù hợp, hiệu quả kinh tế thấp. Ðồng thời tìm được các giải pháp đồng bộ, mà trong đó tập trung ưu tiên công tác chọn, tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao. Mặt khác coi trọng việc lựa chọn công nghệ, thiết bị; xây dựng và hoàn thiện các quy trình canh tác, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất NNCNC. Ðầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH và CN vào sản xuất, kinh doanh. Trước mắt tỉnh quan tâm việc nâng cao tiềm lực KH và CN, với việc xây dựng, nâng cấp Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Ðồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng "Khu CNSH và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Ðà Lạt", tại Lạc Dương để tạo bước đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng và thúc đẩy phát triển NNCNC trên địa bàn tỉnh. Ðây cũng là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn trong việc triển khai, thực hiện chương trình Tây Nguyên 3, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh miền núi cao nguyên này.

NGUYỄN KHÔI
Nguồn:nhandan.com.vn