Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật: Mất nhiều hơn được

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật: Mất nhiều hơn được
KTNT - TS. Nguyễn Hữu Huân, Phó cục trưởng Cục BVTV cho rằng, xu hướng sử dụng thuốc trừ sâu nói riêng, thuốc BVTV nói chung trong sản xuất lúa gia tăng (cả về chủng loại, lượng thuốc nhập khẩu) trong những năm qua. Nông dân trồng lúa phun thuốc trừ sâu nhiều thì họ bị mất nhiều hơn là được.

Nông dân không nên lạm dụng quá nhiều thuốc BVTV.

Theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, bình quân 1 vụ lúa, nhà nông phun 2 lần thuốc trừ sâu, 2 lần thuốc trừ bệnh, 1 lần thuốc trừ cỏ và 1 - 2 lần thuốc dưỡng cây. Như vậy, bình quân 1ha lúa, nông dân phun 1 lít thuốc trừ bệnh, 0,5 lít thuốc trừ sâu, 0,5 lít thuốc trừ cỏ và 0,6 lít thuốc dưỡng/vụ. Có điều, tỷ lệ hấp thụ qua cây trồng chỉ 20%, bốc hơi 15 - 20%, còn lại thấm vào đất và hòa vào nước. Điều này không chỉ làm môi trường bị ô nhiễm, đồng ruộng bị “đầu độc” mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Có thể làm một phép so sánh để thấy sự lạm dụng của nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV. Diện tích lúa nhiễm rầy trong hai đợt dịch 1994 - 1996 và 2007 - 2008 tương đương nhau nhưng lượng thuốc trừ sâu nhập khẩu giai đoạn 2007 - 2008 cao gấp 3 - 6 lần, tương ứng 600.000 tấn. Lượng thuốc trừ sâu nhập về Việt Nam gia tăng một cách đáng báo động, nếu như năm 2005 chỉ nhập 20.000 tấn thì sang năm 2006 - 2007 tăng lên 30.000 tấn, tương đương 352,7 triệu USD, trong khi 6 tháng đầu năm 2012, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV lên đến 210,8 triệu USD.

Xét về khía cạnh kinh tế vĩ mô, việc tăng cường nhập khẩu thuốc trừ sâu để khống chế dịch hại (rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá) là giải pháp gây lãng phí lớn. Đó là chưa kể đến thiệt hại về môi trường do tăng lượng thuốc trừ sâu không thể ước lượng hết.

Kết quả phân tích từ khảo sát của Chi cục BVTV tỉnh Tiền Giang và An Giang cho thấy, phun thuốc trừ sâu nhiều lần không những không làm tăng năng suất lúa mà còn có tác dụng ngược. Tại các ruộng lúa hoàn toàn không phun thuốc trừ sâu, năng suất đạt khá cao, như ở Tiền Giang có 66 hộ đạt 6,65 tấn/ha, tương đương năng suất bình quân của tỉnh. Tại An Giang có 8 hộ đạt 7,78 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân của tỉnh. Đó là chưa kể, chi phí cho mỗi lần phun thuốc trừ sâu không hề nhỏ, khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ha. Vì vậy, việc gia tăng số lần phun thuốc trừ sâu trong một vụ lúa cần xem xét lại về mặt kinh tế.

Theo ThS. Nguyễn Mai Oanh (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), cần có chiến lược tăng năng suất bền vững gắn với cải thiện chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giải quyết được những điều kiện bất lợi ngày một gia tăng của tự nhiên.

Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) cũng chỉ ra rằng, có hai giải pháp cơ bản giúp giảm khoảng cách giữa năng suất thực tế và năng suất tiềm năng, đó là tăng cường công tác giống và làm tốt công tác chuyển giao kỹ thuật. Việc đạt năng suất cao đi kèm đầu tư phân bón, thuốc BVTV cao không hẳn là giải pháp khả thi, gây hệ quả xấu cho môi trường và chính nguồn đất đang canh tác.

ThS. Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang khá bức xúc vì gần 10 năm qua, để giúp nông dân giảm chi phí phun thuốc, tăng lợi nhuận, tránh sự nhiễm độc, hạn chế ô nhiễm môi trường, nhiều cán bộ bỏ công khuyến cáo, tập huấn sử dụng thuốc BVTV theo chương trình IPM như “1 phải, 5 giảm”, “4 đúng”, “3 giảm, 3 tăng” nhưng lời khuyến cáo về sự độc hại của thuốc không đủ sức mạnh so với những quảng cáo hấp dẫn về cái lợi của việc dùng thuốc “đem lại vụ mùa bội thu”, “hạt lúa sáng bóng”, “lúa trúng bể bồ”… xuất hiện với tần xuất cao trên các báo, đài, nhất là trên các đài truyền hình ở khu vực ĐBSCL.

Phương Duy

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn