Lê Công Nhân - “Nhà nông tiên phong” Syngenta
- Thứ hai - 15/07/2013 21:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ở ấp Trường Bình, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng nhiều nông dân làm ruộng biết đến anh Lê Công Nhân hiền lành, cần cù, siêng năng và đặc biệt làm ruộng giỏi. Bước ra cánh đồng của anh, lúa xanh mượt, lớn đều trải rộng tít tắp. Nông dân trong xóm ấp khen anh có tính cầu tiến, ham học hỏi áp dụng TBKT trong canh tác lúa.
Anh Nhân kể, hồi nhỏ nhà nghèo, lớn lên lập gia đình hai vợ chồng ra riêng với hai bàn tay trắng, không có cục đất “chọi chim”. Tuy nghèo khó nhưng không nản lòng, vợ chồng anh Nhân lúc đầu đi làm thuê quanh quẩn với nghề của nhà nông, từ làm cỏ lúa, xịt thuốc sâu đến cắt lúa…
Sau một thời gian với số tiền cần kiệm, anh Nhân thuê 10 công đất trồng lúa. Lúc đầu như gặp may, trời cho vụ lúa đầu tiên năng suất cao, lãi hơn 10 triệu đồng. Anh tiếp tục thuê đất nhân rộng ra thêm, chỉ trong vòng 4 năm thuê được 2 ha đất lúa. Gia đình bắt đầu có của ăn của để trong nhà và tính chuyện mua đất làm ruộng.
Kỹ thuật viên của Syngenta (trái) hướng dẫn anh Nhân canh tác lúa
Đó là thời điểm cuối những năm 1990, giá đất ruộng chưa tăng cao như bây giờ. Đến năm 2010 anh Nhân có được khu ruộng liền khoảnh, bằng phẳng, rộng 4,5 ha. Từ đây anh mở kế hoạch tăng vụ, từ 2 vụ lên 3 vụ/năm. Bên cạnh đó, nhờ có sự trợ giúp kỹ thuật của cán bộ khuyến nông địa phương, áp dụng đúng TBKT, năng suất không ngừng tăng, chi phí đầu tư giảm.
Đặc biệt, từ khi tham gia chương trình “Nông dân vì cộng đồng” do Cty Syngenta VN khởi xướng, anh Nhân trực tiếp thực hành làm ruộng trình diễn trên mô hình mẫu 3.000 m2. Các kỹ sư nông nghiệp của Syngenta đã chuyển giao TBKT từ khâu làm đất, gieo sạ đến thu hoạch.
Tham gia chương trình, thực nghiệm cả 3 vụ lúa/năm, anh nhận ra cách làm mới hiệu quả hơn tập quán canh tác cũ. Trong điều kiện bình thường, mỗi vụ chi phí sử dụng thuốc khoảng 300.000 đ/công, trong khi ruộng của bà con đối chứng bên ngoài hơn 400.000 đ/công. Tính ra, sau khi trừ chi phí SX mỗi vụ làm đúng theo mô hình mẫu có lãi hơn 20 triệu đ/ha so với tập quán trước đây.
Anh Nhân cho biết sẽ kiên định làm theo cách làm mới của chương trình “Nông dân vì cộng đồng”. "Làm lúa đang khó khăn do giá bán giảm, nhưng nhờ giảm chi phí SX nông dân vẫn có lãi chứ không bao giờ lỗ. Hiện nay anh không còn bó hẹp áp dụng theo mô hình mẫu chỉ trên diện tích 3 công, mà trên tất cả phần đất ruộng còn lại anh Nhân đều áp dụng đúng theo hướng dẫn kỹ thuật của chương trình", anh chia sẻ.
Tất cả 4,5 ha ruộng lúa, anh Nhân tham gia SX trong cánh đồng mẫu lớn của xã Trường Khánh nên đầu ra tiêu thụ không lo bấp bênh. Mỗi năm từ cây lúa, nếu trúng giá gia đình anh Nhân thu nhập khoảng 180 - 200 triệu đồng.
Không chỉ là người giỏi lo ruộng nhà của mình, anh còn là một kỹ thuật viên thực hành của bà con trong xóm. Anh sẵn sàng nói cặn kẽ cách làm của mình, hướng dẫn kỹ thuật và khuyến khích nông dân chuyển sang canh tác lúa “kiểu mới” thông qua những tiến bộ kỹ thuật mới để tăng năng suất lại giảm chi phí đầu tư.
Anh Nhân tự hào là một trong những nhà nông tiên phong của Cty Syngenta VN và tâm đắc cách làm của Cty vì nông dân, từ quản lý dinh dưỡng, quản lý nước, phun thuốc theo bốn đúng, các biện pháp kỹ thuật khác để đạt tối ưu hiệu quả đầu tư, nâng cao lợi nhuận.
Đó là áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong 4 giai đoạn: Khỏe mạ (mạ cao hơn, xanh khỏe đồng đều) - Sung chồi (số chồi/m2 nhiều hơn) - Đều đòng (đòng nhiều hơn, nhiều bông, đảm bảo tối đa số hạt/bông) - Đầy hạt (hạt chắc, chất lượng hạt tốt hơn, xay xát ít hao hụt hơn).
Anh Võ Văn Son, nhân viên kỹ thuật Cty Syngenta VN ở huyện Long Phú nói: Anh Lê Công Nhân là “Nhà nông tiên phong” trong chương trình “Nông dân vì cộng đồng” của Syngenta. Anh thực hành trên hết lô đất ruộng nhà và ứng dụng thành công các giải pháp kỹ thuật Syngenta chuyển giao, được nhiều nông dân tới tham quan, học hỏi và làm theo. |