Liên kết để nghề nuôi tôm phát triển bền vững

Liên kết để nghề nuôi tôm phát triển bền vững
Tôm chết chưa rõ nguyên nhân đang khiến nhiều nông dân Bạc Liêu đau đầu. Tính đến nay, diện tích tôm chết đã vượt quá con số 8.120ha. Thực trạng này đặt ra vấn đề nóng bỏng: Hướng đi nào bền vững cho nghề nuôi tôm?
Bắt đầu từ thay đổi ý thức

 

Khi phân tích tình hình tôm chết trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng này và phát triển bền vững nên bắt đầu từ công tác thủy lợi. Tuy nhiên, muốn làm được việc này không hề đơn giản, thậm chí mất nhiều thời gian và cần có lộ trình. Bởi số tiền đầu tư hàng trăm đến hàng chục ngàn tỷ đồng cho các công trình thủy lợi không phải dễ. Chưa kể nếu có hạ tầng thủy lợi hoàn chỉnh, chưa chắc nạn tôm chết, ô nhiễm môi trường đã được khắc phục khi ý thức của người nuôi chưa được nâng cao. Do vậy, để hạn chế nạn tôm chết và dịch bệnh lây lan, vấn đề cần quan tâm không phải là hạ tầng mà từ chính ý thức của người dân. Ông Huỳnh Chí Công ở xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình) khẳng định: “Với tâp quán nuôi tôm theo kiểu mạnh ai nấy làm như hiện nay dù có đầu tư hạ tầng thủy lợi hoàn chỉnh cũng khó tránh được dịch bệnh, vì ý thức cộng đồng chưa có”.

 

Nhằm phát huy ý thức, trách nhiệm cộng đồng, hướng đến mô hình nuôi tôm bền vững, có một ý kiến rất hay được đưa ra: Xử lý nước thải cho tôm qua ao lắng chung? Theo quy định của ngành nông nghiệp, mỗi hộ nuôi tôm phải có ao lắng riêng để xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường, nhưng lâu nay không mấy nông dân thực hiện. Vì vậy, việc xây dựng ao lắng chung cho từng tiểu vùng nuôi tôm có thể là giải pháp thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường. Không những thế, giải pháp này sẽ khắc phục tình trạng lén lút thải nước ô nhiễm ra kênh nội đồng, việc xử lý ô nhiễm, dịch bệnh có tập trung. Ngành nông nghiệp cũng sẽ trút được gánh nặng chi phí hỗ trợ dập dịch hàng năm, thay vì hỗ trợ dập dịch cho từng hộ thì chỉ cần tập trung xử lý ở ao lắng chung.

 

Nghèo, ít đất xin đừng nuôi tôm

 

Sau hơn 10 năm nông dân Bạc Liêu chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, một bài học xương máu được rút ra: “Nếu nghèo, ít đất xin đừng nuôi tôm”. Sự đút kết này được minh chứng bằng việc thất bại, nợ nần, đẩy hàng trăm nông dân vào cảnh khốn khó. 

 

Bạc Liêu cần sớm quy hoạch vùng nuôi tôm để hướng tới phát triển bền vững.


Ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phước Long cho biết: “Đúc kết từ thực tiễn cho thấy, phần lớn hộ nuôi tôm thất bại đều là hộ nghèo, ít đất. Vì họ không có tiền đầu tư cho suốt quá trình nuôi, chỉ vay nợ để mua con giống đem thả. So với trước đây, mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến (QC-QCCT) không còn đơn giản là thả con giống xuống rồi đợi thu, mà bây giờ phải nuôi lại trong ao, bổ sung thức ăn công nghiệp. Nếu là hộ nghèo không có vốn thì lấy tiền đâu ra để làm việc này. Còn nếu tiếp tục thả nuôi tự nhiên như trước đây thì cầm chắc thất bại”. Khảo sát thực tế tại các vùng chuyên tôm của huyện Phước Long như: Phong Thạnh Tây A, Phong Thạnh Tây B, Vĩnh Phú Tây, Phước Long… mới thấy kinh nghiệm này đáng lẽ phải được đút kết từ lâu.

 

Với hình thức thả nuôi theo kiểu “thu tỉa thả bù” làm cho lượng thức ăn trong ao phát triển không kịp (vì lúc nào trong ao cũng có tôm), nên tôm nuôi dễ bị thiếu dinh dưỡng. Qua phân tích mẫu tôm chết ở các xã của huyện Phước Long thấy, hàm lượng khí độc (NH3) vượt ngưỡng cho phép 3-5 lần và tôm chết có dấu hiệu bị thiếu dinh dưỡng. Khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, dễ bị thiệt hại, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phước Long sẽ vận động các hộ nuôi tôm ít đất không nên tiếp tục sản xuất mà nên cho thuê đất, liên kết sản xuất hoặc chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác. Đối với mô hình nuôi tôm theo hình thức QC-QCCT, nông dân chỉ tập trung nuôi một vụ tôm ăn chắc và phải đa dạng hóa các vật nuôi khác ngoài con tôm như: cua, cá…để khi thất tôm vẫn còn cái để thu.

 

Đối với mô hình nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp (CN - BCN), những hộ ít đất hoặc không có vốn đầu tư thì không nên nuôi tôm theo hình thức này. Vì mô hình nuôi tôm CN-BCN đòi hỏi vốn đầu tư lớn và cần cả quy trình khép kín. Do vậy, việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp hay giao đất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm theo hình thức thâm canh cần được khuyến khích nhân rộng. Bởi nuôi tôm CN-BCN không dừng ở diện tích, công chăm sóc, trình độ kỹ thuật, mà còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như: vốn đầu tư, chủ động về con giống, thức ăn, thị trường tiêu thụ… Điển hình như Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Huy Thuận, nhờ hệ thống dây chuyền khép kín từ khâu sản xuất con giống, chế biến thức ăn, công ty đã không ngừng phát triển và luôn vượt qua những khó khăn. Đây được coi là doanh nghiệp khá điển hình và thành công trong sản xuất nuôi trồng và chế biến thủy sản ở Bạc Liêu hiện nay.

 

Phản ánh những vấn đề trên để thấy, việc tổ chức lại sản xuất cho con tôm đã đến lúc cần được tính lại. Thực hiện các giải pháp này sẽ gặp nhiều khó khăn vì nó liên quan đến cách nghĩ, cách làm và cả quyền lợi của nhiều người. Song, vì sự phát triển bền vững trong tương lai, khó mấy cũng phải làm.

Theo kinhtenongthon.com.vn