Lộ diện thủ phạm gây EMS

Lộ diện thủ phạm gây EMS
(Thủy sản Việt Nam) - Việc phát hiện ra vi khuẩn gây Hội chứng tôm chết sớm (EMS) là bước quan trọng nhằm tìm kiếm biện pháp hiệu quả đẩy lùi căn bệnh này. Tuy nhiên, cho đến lúc các biện pháp “hóa giải” được đưa ra, người nuôi tôm vẫn cần chủ động để đối phó mối nguy này.

Đột phá quan trọng

Tiến sĩ Donald Lightner, nhà nghiên cứu bệnh học của Trường Đại học Arizona (Mỹ) và nhóm nghiên cứu của ông đã có một bước đột phá quan trọng trong việc xác định được tác nhân gây ra một căn bệnh bí ẩn, tàn phá nặng nề các trang trại nuôi tôm ở châu Á. Căn bệnh này được gọi là Hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), xuất hiện hơn hai năm qua khiến tôm nuôi chết trên quy mô lớn ở một số nước châu Á.

Danh tính của thủ phạm đã được lộ diện, đó là do một chủng của loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong vùng nước lợ ven biển trên toàn cầu, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus.

Các nỗ lực nghiên cứu xác định bệnh lý và đối phó lại với EMS đã được hỗ trợ bởi một liên minh các đối tác bao gồm: Trường Đại học Arizona (UA); Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO); Tổ chức Thú y Thế giới (OIE); Ngân hàng Thế giới (WB); Mạng lưới các trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng châu Á - Thái Bình Dương (NACA); Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA); Bộ NN&PTNT Việt Nam; CP Foods; Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú; Grobest Inc và Công ty thức ăn chăn nuôi Uni-President.

Thái Lan là một trong những nước châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề từ EMS - Ảnh: T.Hayden

Không nguy hại cho người

Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Donald Lightner khẳng định, EMS/AHPNS không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Một số chủng hiếm hoi của V. parahaemolyticus là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa ở người thông qua việc tiêu thụ tôm và hàu sống hoặc chưa được nấu chín, nhưng chỉ có dòng mang hai gen chuyên biệt mới gây bệnh cho người. Tuy nhiên, chỉ có 1 - 2% của chủng V. parahaemolyticus hoang dã trên toàn thế giới có hai gen chuyên biệt này.

Lightner khẳng định: “Chủng V. parahaemolyticus mà chúng tôi tách biệt dường như không có các gen có đặc tính độc hại để lây nhiễm cho con người”. “Không có bất kỳ báo cáo của bệnh nhân nào có liên quan đến EMS. Và những phát hiện mới này sẽ có xu hướng xác nhận rằng, tôm nhiễm EMS không gây hại đến sức khỏe người dân”, Iddya Karunasagar - chuyên gia về an toàn hải sản tại FAO nhận định.

 

Chỉ tôm dễ bị tổn thương

EMS ảnh hưởng đến hai loài tôm nuôi phổ biến trên thế giới là tôm sú Penaeus monodon và tôm thẻ chân trắng P.vannamei. Cho đến nay, đã có 4 quốc gia chính thức báo cáo EMS là Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, bất cứ nơi nào nuôi tôm sú và TTCT đều có nguy cơ tiềm tàng EMS. Điều này bao gồm hầu hết các nước ở châu Á và phần lớn ở châu Mỹ La tinh, nơi nuôi tôm rất quan trọng, cũng như các nước châu Phi khác như: Madagascar, Ai Cập, Mozambique và Tanzania.

Hiện, có một số nước đã thực hiện chính sách hạn chế nhập khẩu tôm đông lạnh hoặc các sản phẩm tôm khác từ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi EMS. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Lightner khẳng định, các sản phẩm tôm đông lạnh tương đối an toàn và chưa có cơ sở khoa học khẳng định chúng là nguồn lan truyền bệnh EMS bởi nhóm của ông cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu về mức độ lan truyền bệnh EMS bằng cách sử dụng mô tôm đông lạnh nhưng không thành công.

 

Chủ động đối phó

Xác định được nguyên nhân gây bệnh EMS là bước tiến rất quan trọng, nhưng cho đến khi các biện pháp “hóa giải” được đưa ra thì người nuôi tôm nên tin tưởng tuân thủ theo thực hành tốt nhất an toàn sinh học và nuôi trồng thủy sản đã được thiết lập lâu nay nhằm ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến EMS.

Theo đó, người nuôi tôm cần lưu ý, nên mua tôm post-larvae từ các cơ sở cung cấp có uy tín và được kiểm dịch; sử dụng thức ăn chất lượng cao và tránh các áp lực môi trường để giữ cho tôm khỏe mạnh; duy trì các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi thích hợp và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu trên tôm. Khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc tôm chết bất thường phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng...

Ngoài ra, bất kỳ hoạt động nào của các sản phẩm tôm sống hoặc không đóng băng cũng phải phù hợp với thực hành tốt nhất đã được thiết lập lâu nay.

>> Mexico và Philippines đang tránh hậu quả của EMS bằng cách ngừng nhập khẩu tôm từ các nước châu Á. Gần đây, Liên minh tôm miền Nam Mỹ (SSA) cũng bày tỏ lo ngại về việc nhập khẩu tôm từ các nước bị nhiễm EMS. 

Sao Mai 
theo FAO