Lợi ích kép khi trồng đậu xanh trên đất lúa thiếu nước

Lợi ích kép khi trồng đậu xanh trên đất lúa thiếu nước
Trên những diện tích đất lúa thiếu nước tưới, vụ HT 2016 bà con huyện Hoài Ân (Bình Định) đã chuyển sang trồng đậu xanh, vừa đối phó được nắng hạn, vừa có thu nhập cao.

 

Để chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng nắng hạn, thiếu nghiêm trọng nước tưới, những năm qua huyện Hoài Ân đã thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển diện tích đất lúa thiếu nước SX bấp bênh sang cây trồng cạn, nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.

Vụ HT 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân triển khai mô hình trồng đậu xanh trên chân đất lúa chuyển đổi tại thôn An Hậu, xã Ân Phong với diện tích 2ha. Giống đậu xanh được chọn làm mô hình là ĐX 208, một giống hạn và cho năng suất cao...

Theo ông Phan Việt Hùng (59 tuổi), thôn phó thôn An Hậu, cũng là nông dân tham gia mô hình, trên đất lúa thiếu nước nếu không chuyển đổi cứ làm lúa thì nông dân chỉ có đói, vì năng suất cho chẳng bao nhiêu, thậm chí có khi mất trắng vì thiếu nước tưới cây lúa cứ đứng đơ ngắt, không phát triển. Thế nhưng khi chuyển sang trồng đậu xanh thì không còn lo thiếu nước nữa, bởi đậu xanh “ăn” rất ít nước.

“Tùy điều kiện đất trồng mà tuới nuớc đủ ẩm, không để úng, không đóng ván. Trong mùa khô tưới rãnh cho đậu xanh là tốt nhất, không nên tưới tràn, tránh ruộng bị ngập úng làm hư bộ rễ. Giai đoạn từ ra hoa đến đậu trái cần tưới đủ nước cho đậu xanh, nếu để thiếu nước trong giai đoạn này sẽ làm cho hoa bị rụng, trái còi cọc”, ông Hùng nói.

Ông Tăng Văn Trương, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân cho biết thêm, trong suốt cả vụ đậu xanh chỉ cần tưới 3 lứa nước, 1 lứa làm đất và 2 lứa trong cả giai đoạn đậu xanh sinh trưởng, phát triển đến thu hoạch.

“Những diện tích đất SX lúa thiếu nước nếu chuyển sang trồng ngô cũng bị thiếu nước, bởi 1 vụ ngô phải tưới 5 - 6 lứa nước vì sinh khối lớn. Vì thế, chúng tôi xác định chuyển làm đậu xanh là phù hợp nhất. Từ thành công của mô hình này, trong thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng tại những địa phương có nhiều diện tích đất lúa thiếu nước”, ông Trương cho hay.

Trồng đậu xanh trên đất lúa thiếu nước không chỉ tiết kiệm được nước tưới mà còn cho thu nhập khá. Theo nông dân Trần Văn Đông (70 tuổi) ở thôn An Hậu, chỉ 60 ngày sau khi xuống giống là đậu xanh đã cho thu hoạch lứa đầu. Thu hoạch xong, cho đậu xanh tiếp tục “ăn” phân bón và bơm thuốc kích thích để đậu xanh cho trái lứa 2, khoảng 15 ngày sau là thu hoạch lứa 2. Nếu được chăm sóc đầu tư tốt, trong lứa 2 đậu xanh cho thu hoạch năng suất chẳng kém so với lứa đầu, kém lắm cũng đạt 50% năng suất.

Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân, giống đậu xanh ĐX 208 chịu hạn tốt. Trong vụ HT, thời gian sinh trưởng của đậu xanh ĐX 208 ngắn, chỉ từ 55 - 60 ngày, cây cao khoảng 60 - 65cm. Thời gian bắt đầu ra hoa sớm 25 ngày, thời gian trái chín và bắt đầu thu hoạch sau 50 ngày, kết thúc thu hoạch đợt đầu sau 60 ngày.

“Giống đậu xanh ĐX 208 ra hoa khá tập trung, nhanh chín và chín đồng loạt, không nẻ hạt nên thuận lợi trong việc thu hoạch. Trung bình 17 quả chắc trên cây, đạt 6 hạt/quả, trọng lượng 1.000 hạt đạt 65g. Đợt thu hoạch đầu, năng suất lý thuyết đạt 21,9 tạ/ha, năng suất thực thu 18,6 tạ/ha. Thực tế mô hình sau khi thu hoạch đợt đầu, đậu xanh tiếp tục ra hoa đợt 2 với tỷ lệ khá cao, khả năng cho năng suất đạt gần 50% so với đợt đầu, năng suất cả vụ đạt 25 tạ/ha”, ông Tăng Văn Trương cho biết thêm.

“Năng suất đậu xanh thực thu bình quân 80kg/sào, cá biệt có diện tích đạt đến 100 - 120kg/sào. Gía đậu xanh bán sỉ hiện nay được 28.000đ/kg, chỉ tính năng suất đạt bình quân 100kg/sào, nông dân cầm chắc trong tay khoản thu nhập 2,8 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí còn lãi ròng gần 1,4 triệu đồng/sào, tăng gấp 4 lần so với làm lúa”, nông dân Trần Văn Đông chia sẻ.

 

Theo Đình Thung/nongnghiep.vn