Lúa VietGAP lợi ích lớn
- Thứ ba - 08/07/2014 03:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là khẳng định của hàng chục nông dân trồng lúa VietGAP (SX nông nghiệp tốt) ở Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Trưởng ban Nhân dân ấp Nước Xoáy, xã Tân An Luông (Vũng Liêm) cho biết: "Tổ hợp tác SX lúa theo quy trình VietGAP ở ấp Nước Xoáy có diện tích 29,32 ha đã được chứng nhận VietGAP ngày 6/3/2014 và có giá trị đến ngày 5/3/2016. Sản lượng dự kiến SX khoảng 525 tấn/3 vụ/năm. Hộ thực hiện mô hình được nhà nước hỗ trợ 7 triệu xây nhà vệ sinh, túi biogas, nhà kho chứa vật tư nông nghiệp, tủ thuốc gia đình, đồ bảo hộ lao động…".
Ông Nguyễn Tấn Hưng, 1 trong 49 hộ SX lúa VietGAP ở ấp Nước Xoáy chia sẻ: "Lúa hàng hóa VietGAP được thương lái chuộng hơn lúa ngoài mô hình nhưng giá vẫn chưa cao. Nếu lúa VietGAP được DN bao tiêu cao hơn lúa ngoài mô hình khoảng 500 đ/kg thì sẽ có nhiều hộ tham gia mở rộng diện tích".
Ông Bùi Văn Sáu, Tổ trưởng tổ SX lúa VietGAP số 1, ấp Ngã Ngay, xã Tân Long (Mang Thít) nói: "SX lúa VietGAP không chỉ giúp nông dân giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra hàng hóa chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng và môi trường. Mô hình tại ấp Ngã Ngay có tổng diện tích 24,81 ha với 24 hộ tham gia, sản lượng dự kiến là 496 tấn/3 vụ/năm".
Ông Nguyễn Hùng, thành viên tổ SX lúa VietGAP số 1 nói: "Từ ngày được cấp chứng nhận VietGAP đến nay mặc dù chưa được DN bao tiêu nhưng lúa hàng hóa của các thành viên trong tổ rất dễ bán hơn lúa SX thông thường. Lúa chủ yếu được các thương lái thu mua, không còn bị ép giá, nông dân rất yên tâm khi tham gia".
Ông Phạm Văn Sỹ, Tổ phó Tổ hợp tác SX lúa VietGAP số 2, xã Mỹ Lộc (Tam Bình, Vĩnh Long) cho biết: "Tổ có 39 hộ tham gia SX lúa VietGAP trên diện tích 24,84 ha, trong đó có 22 hộ trong mô hình và 17 hộ ngoài mô hình. Mô hình đã giúp tôi cùng nhiều bà con biết cách sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo phương pháp 4 đúng; biết cách xây hầm biogas...".
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân An Luông chia sẻ: "Trong 2 năm qua, Tân An Luông đã chọn gần 212 ha ruộng ở các ấp Nước Xoáy, ấp 8 và ấp Đập Sậy với 450 hộ nông dân tham gia SX cánh đồng lớn. Đây là một phần diện tích thuộc dự án “Xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015".
Mô hình SX lúa VietGAP bước đầu đã giúp cho 49 hộ nông dân tham gia được hưởng lợi. Theo đó, đã đầu tư nhà vệ vinh, hố thu gom gác và hố pha thuốc trừ sâu, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong việc xây dựng NTM".
TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, GĐ Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long cho biết, đến thời điểm này ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã phối hợp với Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 công nhận 4 cánh đồng tại xã Tân An Luông (Vũng Liêm), Tân Long Hội (Mang Thít), Mỹ Lộc (Tam Bình) và ở xã Long An (Long Hồ) SX lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Đây là một giải pháp cho hạt gạo sạch Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Ngành nông nghiệp Vĩnh Long đang khuyến cáo nông dân SX trồng trọt VietGAP để nâng cao chất lượng nông sản.
Theo: nongnghiep.vn