Lúa VietGAP trên cánh đồng mẫu lớn

Lúa VietGAP trên cánh đồng mẫu lớn
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, SX lúa theo VietGAP là hướng đi tất yếu. Sau kết quả vụ lúa ĐX 2012-2013 thắng lợi, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng VI đã trao giấy chứng nhận VietGAP cho tổ hợp tác Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Từ nay nông dân SX lúa VietGAP nhẹ gánh lo trong khâu tiêu thụ. Cty Trung An (Cần Thơ) ký hợp đồng thu mua với giá cao hơn giá thị trường 5 - 10%. Trong khi đó, Cty Gentraco (Cần Thơ) cho biết hệ thống các siêu thị trong và ngoài nước chọn đặt hàng sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn VietGAP có hướng tăng lên.

Từ mô hình CĐML thành công, Sở NN-PTNT Cần Thơ chuyển sang giai đoạn mới, nâng cao phẩm chất lúa gạo đảm bảo an toàn thông qua thực hiện đề án “Xây dựng mô hình CĐML theo hướng VietGAP”. UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt đề án với quy mô 400 ha, 206 nông hộ tham gia thực hiện thí điểm tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.


Mô hình cánh đồng mẫu lớn đang phát huy hiệu quả

Theo đề án, các hoạt động SX sẽ được hỗ trợ trong 3 vụ lúa: Từ vụ ĐX 2011-2012, vụ HT 2012 và vụ ĐX 2012-2013. Giai đoạn 2013 - 2017 sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, trạm bơm điện hoàn chỉnh.

CĐML SX theo hướng VietGAP nhằm hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô lớn gắn kết với tiêu thụ. Khai thác tối đa tiềm năng năng suất, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, giảm giá thành SX thông qua tổ chức liên kết SX. Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển toàn diện theo hướng bền vững và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ cho hay: “Thông qua thực hiện đề án sẽ hình thành HTX SX lúa chất lượng cao, giúp nâng cao năng lực quản lý; đồng thời hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, giao thông thủy bộ thuận tiện giao lưu vận chuyển hàng hóa nông nghiệp; tạo điều kiện cho nông dân áp dụng đồng bộ TBKT (“3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái, ứng dụng chế phẩm sinh học…).

Tiếp theo là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các công đoạn sau thu hoạch (tồn trữ, chế biến, phân phối). TP Cần Thơ sẽ quy hoạch mở rộng các vùng SX hàng hóa an toàn theo hướng hiện đại có sự giám sát kiểm tra chặt chẽ của cơ quan chuyên môn.

Nông dân thực hiện tốt ghi chép sổ tay SX lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và đề án tạo mối liên kết với DN cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Đây là bước chuyển đổi nhằm nâng cao trình độ ứng dụng TBKT vào SX cho nông dân.

 Thực ra trước đó, từ năm 2009 nông dân trong tổ SX Đồng Vạn đã bắt đầu tiên phong trong việc ứng dụng kỹ thuật mới như: IPM, 3 giảm 3 tăng… Sau đó, được sự tài trợ thông qua Cty Gentraco đưa vào vận hành một số thiết bị cơ giới nông nghiệp mới của Hàn Quốc gồm: Máy sạ hàng, máy ngâm hạt giống, máy phun thuốc BVTV… trên CĐML tại hợp tác Đồng Vạn, tạo nền tảng nâng lên SX lúa VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX Đồng Vạn nhận xét: Thông qua ý kiến của bà con nông dân trong tổ SX, nếu ứng dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật, năng suất lúa tăng lên, hiệu quả rõ rệt.

Kể từ vụ lúa ĐX 2011-2012, khởi đầu thực hiện theo đề án, trên diện tích 63 ha đạt năng suất bình quân 7,78 tấn/ha, cao hơn vụ ĐX năm trước 0,48 tấn/ha. Hạ giá thành còn 2.750 đồng/kg, giảm hơn 550 đồng/kg và tính ra lợi nhuận tăng thêm hơn 4,3 triệu đồng/ha. Kết thúc vụ, tổ hợp tac SX được 490 tấn lúa được đánh giá chất lượng tốt.

Đến vụ ĐX 2012-2013, nông dân trong tổ hợp tác bắt đầu ứng dụng thiết bị mới cải tạo làm phẳng mặt bằng đồng ruộng bằng hệ thống tia laser tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện cơ giới hóa trong SX; đồng thời bắt đầu thực hành sổ tay ghi chép.

Kết quả cuối vụ năng suất đạt độ đồng đều, với giống lúa Nàng Hoa 9 đạt 7 - 8 tấn/ha tương đương vụ 2011-2012. Hạt sáng, đẹp, DN mua lúa tươi 6.100 đồng/kg, cao hơn lúa Jasmine85 là 700 đồng/kg. Trong khi giá thành SX 2.248 đồng/kg, thấp hơn nông dân làm lúa ngoài mô hình 625 đồng/kg. Nông dân tổ hợp tác đạt lợi nhuận hơn 10,5 triệu đồng/ha".

Ông Thành chia sẻ thêm: Nhờ khâu làm đất mặt ruộng bằng phẳng, giảm bớt chi phí bơm nước, lượng phân bón ít hơn vẫn đạt hiệu quả. Tổ hợp tác SX đang sẳn sàng chờ Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng VI đến đánh giá chất lượng lần thứ 2 và công nhận mô hình SX lúa VietGAP.

Từ những kết quả đạt được đã thuyết phục nhiều nông dân xin vào tổ hợp tác. Ban đầu nông dân trong tổ Đồng Vạn có 63 ha, đến nay đã nâng lên 92,7 ha. Theo kế hoạch sau khi chuẩn bị đủ điều kiện cơ sở vật chất, dự kiến tổ Đồng Vạn sẽ mở rộng quy mô SX lên 400 ha và thành lập HTX.

Các cán bộ Sở NN-PTNT Cần Thơ trực tiếp hướng dẫn, yểm trợ kỹ thuật cho nông dân tổ hợp tác Đồng Vạn nhận định: Thành công lớn từ CĐML chuyển tiếp nâng chất SX lúa theo tiêu chuẩn VietGAP là SX giá thành hạ, chất lượng lúa nâng lên và dù thời điểm giá lúa bất lợi giá bán vẫn tăng cao hơn so với lúa SX bên ngoài mô hình.

Theo đề án, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư hệ thống thủy lợi, trạm bơm, kho trữ lúa; trang bị kiến thức nông dân thay đổi tập quán SX cũ và có chính sách tín dụng. Từ nay đến năm 2015 hoàn thành quy trình SX lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng SX hiện đại.

Theo: nongnghiep.vn