Lúa hữu cơ - tôm VietGAP
- Thứ sáu - 03/04/2015 04:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc lạm dụng thuốc, hóa chất trong canh tác gây nhiều thiệt hại hơn là lợi ích mang lại.
Vì vậy, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thói quen canh tác của người dân, nâng cao chất lượng hạt lúa và tôm càng xanh, vụ ĐX 2014-2015, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) phối hợp với Cty CP Nông nghiệp GAP triển khai dự án SX lúa hữu cơ - nuôi tôm càng xanh theo quy trình VietGAP cho các hộ nuôi tôm càng xanh tại cù lao Chim, xã Phú Thành B. Dự án do GS.TS Võ Tòng Xuân trực tiếp làm cố vấn.
Theo đó, Cty sẽ thực hiện thí điểm vụ này 20,4 ha tại cù lao Chim, thuộc HTX Tôm càng xanh Phú Long. Người dân tham gia dự án được Cty cung cấp toàn bộ lúa giống nguyên chủng, phân bón hữu cơ theo hình thức trả chậm không tính lãi suất; được hỗ trợ kỹ thuật trong suốt vụ và quan trọng nhất là sản phẩm được mua với mức giá cao hơn 800 đ/kg so với mức giá bình quân của thị trường.
Sau khi thu hoạch lúa, bà con sẽ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình nuôi tôm VietGAP, phát sổ tay ghi chép và theo dõi suốt vụ nuôi, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, nhằm giảm chi phí đầu vào và nâng cao năng suất, chất lượng tôm thương phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu.
Dự án mang lại hiệu quả về mọi mặt cho nông dân và địa phương. Về kinh tế, dự án sẽ trực tiếp bảo đảm tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; tăng cường chức năng nhiệm vụ và củng cố hoạt động dịch vụ của HTX. Cty sẽ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm với số lượng lớn và ổn định, tạo lòng tin đối với nông dân.
Về xã hội, dự án góp phần nâng cao năng lực cho người dân, không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật mà còn nâng cao trình độ quản lý kinh tế hộ, góp phần phát triển cộng đồng và xây dựng nông thôn mới.
Thông qua sinh hoạt tổ nhóm, dự án cũng phát triển mối quan hệ tương thân tương trợ trong cộng đồng dân cư tại địa phương. Đây là là tiền đề cho việc xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác ở mức cao hơn.
Ngoài ra, dự án sẽ góp phần tăng cường mối liên kết chặt chẽ và bền vững giữa SX và tiêu thụ hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo của huyện Tam Nông.
Về môi trường, quy trình canh tác bằng 100% hữu cơ, đảm bảo an toàn cho người trực tiếp SX và cho môi trường, chống suy thoái tài nguyên đất và nước, giảm rủi ro cho vụ tôm tiếp theo.
Lợi nhuận mang lại cho người nuôi tôm từ vụ lúa hữu cơ là rất lớn. Người nuôi không tốn thêm chi phí cải tạo đất cho vụ tôm kế tiếp, tôm phát triển nhanh, ít dịch bệnh. Nhưng quan trọng nhất là giá thành SX giảm do ít sử dụng thuốc, hóa chất cải tạo môi trường, sản phẩm tôm sạch, hình thức đẹp sẽ được các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu mua với giá cao.