Lúa thuần DQ 11

Lúa thuần DQ 11
Sau nhiều năm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp, Cty TNHH Vật tư Nông nghiệp Hồng Quang (Ninh Bình) đã chọn tạo thành công giống lúa thuần QR1, đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức và đang SX đại trà ở nhiều tỉnh.

 

Chưa dừng lại ở đó, ngày 22/9/2012, Cty Hồng Quang tiếp tục "trình làng" giống lúa mới DQ 11. Đây là giống lúa thuần do Cty nhập nội và chọn tạo từ vụ mùa năm 2010. Kết quả SX ở các vụ trong các năm 2011, 2012 đã khẳng định những ưu điểm nổi trội là: Gieo cấy được cả 2 vụ, thích hợp với cơ cấu trà xuân muộn, hè thu và mùa sớm, TGST ngắn (vụ xuân 125 ngày, vụ mùa 105 ngày); khả năng chịu rét khá, sinh trưởng phát triển khoẻ, đẻ nhánh tập trung, tỷ lệ bông hữu hiệu cao; cây cao từ 80-85 cm, chống đổ khá, dạng hình đẹp, khóm gọn, gốc lá hẹp, lá đòng đứng, bông to nhiều hạt, gạo trắng trong, cơm dẻo và ngon, có vị đậm.

 

DQ11 là giống lúa chịu thâm canh cao, thích hợp gieo cấy trên chân đất vàn-vàn thấp, độ thuần đồng ruộng khá ổn định sau 5 vụ gieo cấy, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, nhiễm bệnh khô vằn nhẹ, chưa thấy xuất hiện bệnh đạo ôn, bạc lá. Về năng suất, vụ xuân năm 2011 đạt 77,8 tạ/ha. Vụ mùa 2012, tuy thời điểm lúa trổ bông phơi màu bị mưa lớn làm tỷ lệ hạt chắc bị giảm nhưng năng suất (ước) vẫn đạt 69,2 tạ/ha.

 

Có thể nói DQ11 là một giống lúa đầy tiềm năng, đáp ứng được cả 2 yêu cầu là năng suất, chất lượng. Ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Cty Hồng Quang, một trong 2 tác giả của DQ 11 cho biết, đang triển khai chọn lọc và SX giống DQ11 siêu nguyên chủng để chủ động nguồn giống gốc.

 

Cùng với việc đánh giá kết quả khảo nghiệm, trình diễn giống lúa thuần chất lượng cao DQ11, Cty Hồng Quang đã phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm BVTV huyện Yên Khánh đánh giá kết quả thí điểm mô hình kỹ thuật thâm canh lúa theo phương thức sử dụng “Hiệu ứng hàng biên”.

 

Đây là một tiến bộ kỹ thuật mới, hướng đi mới trong SX nông nghiệp. Theo phương thức này, lúa được cấy theo phương thức hàng rộng hàng hẹp, hàng rộng 30 cm, hàng hẹp 14 cm, cây cách cây 12 cm, mật độ trung bình 32 khóm/m2.

 

Kết quả cho thấy kỹ thuật sử dụng hiệu ứng hàng biên có ảnh hưởng rõ rệt tới sự sinh trưởng phát triển của cây lúa. Khả năng phục hồi và phát triển của cây lúa sau khi cấy (so với ruộng đối chứng, cấy theo tập quán cũ) nhanh hơn. Chiều cao cây, chiều dài bông, chiều dài lá đòng đều hơn so với ruộng đối chứng.

 

Tại ruộng cấy theo phương thức hiệu ứng hàng biên, do cây lúa tận dụng được tối đa ánh sáng mặt trời, tăng khả năng quang hợp, tổng hợp được nhiều chất hữu cơ để tạo ra sinh khối nên số bông/khóm, số hạt/bông cao hơn so với ruộng đối chứng, năng suất thực thu cao hơn so với ruộng đối chứng từ 25-35 kg/sào.

 

Đặc biệt là ở ruộng cấy theo phương thức hiệu ứng hàng biên, sự phát sinh và gây hại của các loại dịch hại giảm thiểu một cách rõ rệt, nhất là bệnh khô vằn và rầy nâu, rầy các loại, chi phí thuốc BVTV thấp hơn so với ruộng đối chứng, vì vậy lãi sau đầu tư cao hơn so với đối chứng từ 15-17 triệu đồng/ha.

  Theo Kinh tế nông thôn