Mô hình cánh đồng mẫu lớn phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới

Mô hình cánh đồng mẫu lớn phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới
Đó là khẳng định của ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn - Bộ NN&PTNT khi đề cập đến mối quan hệ hữu cơ giữa mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).



Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM hiện nay là đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp để phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Theo đó CĐML là hình thức tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới và giải quyết đầu ra ổn định, có lợi cho nông dân và là một hướng sản xuất phù hợp trong xây dựng NTM.

Ông Tăng Minh Lộc cho rằng: Mô hình CĐML trước mắt giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất, vốn là điều kiện của sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn nhưng vẫn còn xa lạ đối với nông dân. Trước yêu cầu của thị trường, muốn nâng cao vị thế cạnh tranh của nông sản, tất yếu người sản xuất phải được đào tạo, có trình độ, có ý thức áp dụng KHKT vào sản xuất, trong đó quan trọng nhất là phải có giống mới, quy trình canh tác tiên tiến, bảo quản sau thu hoạch tốt và phải có lượng sản phẩm lớn, tức là phải có quy mô sản xuất lớn và đồng bộ.
“Với những yêu cầu đó, lâu nay nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đã lên tiếng phải tích tụ ruộng đất và coi đó là cứu cánh quan trọng để phát triển nông nghiệp ở nước ta hiện nay. Theo tôi đó là những ý kiến đặc biệt quan trọng tác động đến nhận thức trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, ông Lộc cho hay.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng nhận định: Xét về thực tế thì tích tụ ruộng đất mặc dù là điều kiện cần nhưng không phải là công việc có thể giải quyết một sớm, một chiều. Tại sao tích tụ lại chậm? Trước hết là do không có “cung” dồi dào, tức là người nông dân không sẵn sàng bán đất. “Ngay tại các khu công nghiệp tập trung, nhiều hộ nông dân đã trở thành công nhân nhưng ruộng thà bỏ hoang chứ không bán vì người ta không tin doanh nghiệp sẽ đảm bảo việc làm ổn định lâu dài cho họ, giữ lại ruộng phòng khi “sa cơ lỡ vận” thì còn có kế sinh nhai. Do đó nói đến tích tụ ruộng đất đến nay vẫn là một khái niệm không hợp với tâm lý nông dân nước ta. Thực tế ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh đang có hàng trăm ha ruộng đất bỏ hoang không canh tác đã chứng minh điều đó”, ông Lộc nêu dẫn chứng. Trong khi đó về yếu tố “cầu”, tức người mua đất để sản xuất nông nghiệp vẫn đang là “của hiếm”. Lý do, theo ông Lộc là sản xuất nông nghiệp vẫn đang là lĩnh vực nhiều rủi ro, doanh nghiệp đầu tư sẽ gặp bất lợi, trong khi nhà nước chưa có chính sách giúp giảm rủi ro để hấp dẫn họ. “Một khi cung không gặp cầu thì quá trình tích tụ khó có thể diễn ra nhanh chóng”.
Chính vì vậy, cái hay của CĐML là lợi ích của nông dân và doanh nghiệp đều được quan tâm đồng thời và cùng nhau chăm lo nên đem lại hiệu quả cao và thông qua mô hình này, mối liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học ngày càng chặt chẽ, tạo sự phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng NTM.
Ông Lộc cho rằng: Mô hình CĐML không chỉ tạo cơ hội khai thác thế mạnh của từng địa phương, tạo quy mô sản xuất lớn, khối lượng nông sản hàng hóa tập trung chất lượng cao, mà qua đó còn là môi trường tích cực nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức kỷ luật của nông dân, giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống ngay trên mảnh ruộng của mình. Đó cũng chính là mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Điều đó đã được chứng minh qua thực tế từ mô hình sản xuất của An Giang rồi sau đó lan rộng ra các tỉnh ĐBSCL. Ngay trong vụ đông xuân 2012 đã có 8/13 tỉnh, thành ở ĐBSCL tham gia với diện tích trên 15,5 nghìn ha và cho đến nay đã có hàng chục tỉnh trong cả nước cử các đoàn đến học tập kinh nghiệm, điển hình như Nam Định, Thái Bình.
Để phát triển nhanh và hiệu quả hơn mô hình CĐML trong điều kiện xây dựng NTM như hiện nay, cần thực hiện tốt hơn nữa mối liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân – doanh nghiệp – nhà khoa học, đặc biệt là giữa nông dân, các tổ chức của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Về phía nhà nước cần có một số chính sách hỗ trợ các bên tham gia như đào tạo nâng cao trình độ cho các hộ nông dân tham gia CĐML; khuyến khích nhà khoa học tích cực nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, chế biến nông sản và sống tốt bằng các sản phẩm khoa học của mình...Tuy nhiên chính sách hỗ trợ không mang mục tiêu bao cấp mà cần phải được thực hiện cùng với sự nỗ lực tự vươn lên của bản thân nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp khi tham gia mô hình CĐML”./.  
Nguyễn Tiến Dũng
Theo www.ven.vn