Mở rộng phương pháp canh tác SDFRI
- Thứ tư - 05/09/2012 02:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tham dự hội thảo có ngài Đại sứ Tây Ban Nha Fernando Curcio, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đại diện ngành nông nghiệp 15 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, một số tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam và nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2000, Tổ chức Codespa thực hiện các chương trình hỗ trợ tại Việt Nam, trong đó có chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn. Hiện Codespa đang triển khai hỗ trợ đồng bào khu vực miền núi phía Bắc áp dụng phương pháp SDFRI. Đây là phương pháp canh tác mới, tổng hợp những TBKT canh tác lúa nước tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Các nhà khoa học VN bên ruộng lúa sử dụng phương pháp canh tác SDFRI
Phương pháp canh tác SDFRI làm đất kỹ, bón lót từ 300-400 kg phân hữu cơ, 15-20 kg lân/sào, mạ non cấy thẳng hàng, mật độ 35 khóm/m2, mỗi luống có 8 hàng, luống cách luống 1,2 m, cấy nông tay. Phân viên nén dúi sâu bao gồm 2 loại phân vô cơ là đạm và lân được nén lại thành từng viên nhỏ. Sau khi cấy từ 1-3 ngày thì tiến hành dúi phân vào giữa 4 khóm lúa, sâu 7-8cm, lượng phân từ 8-9 kg/sào. Phương pháp canh tác này phân không bị rửa trôi so với bón vãi, phân tan đều trong đất cung cấp lượng phân cần thiết cho sự phát triển của cây lúa.
Năm 2006 Codespa đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh và Sở NN-PTNT Yên Bái triển khai phương pháp canh tác SDFRI sử dụng phân viên nén dúi sâu được ở một số xã của huyện Lục Yên, Văn Chấn, TX Nghĩa Lộ. Mô hình này sau mỗi vụ được mở rộng ra các địa phương của huyện Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình và 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Giai đoạn 2006-2008 có 17.000 hộ tham gia phương pháp canh tác phân viên nén dúi sâu, giai đoạn 2008-2010 số hộ tăng gấp đôi, lên tới 38.000 hộ, đến nay đã có 60.000 hộ.
Tổng lượng phân bón vụ mùa năm 2012 thống kê chưa đầy đủ khoảng 2.500-3.000 tấn, trên diện tích 7.000-8.000 ha. Phương pháp canh tác SDFRI đang được mở rộng ở nhiều địa phương: Tuyên Quang, Thanh Hoá, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam và nhiều tỉnh khác với tổng diện tích khoảng 15.000-17.000 ha. Số máy ép phân viên nén trên 400 chiếc.
Tính ưu việt của phương pháp canh tác SDFRI là tiết kiệm được giống, phân bón, ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh nên lượng thuốc trừ sâu giảm, môi trường ít bị ô nhiễm, năng suất tăng từ 20-23% đạt từ 7,5-8,5 tấn/ha. Bà Hoàng Thị Văn ở bản Tông Co 3, phường Tân An, TX Nghĩa Lộ tham gia mô hình từ năm 2009 trên diện tích 1.500 m2, cho biết: Cách làm này ban đầu hơi khó một chút, lúa phải cấy thẳng hàng, sau khi cấy thì mới dúi phân. Sau 2 vụ làm nay đã quen rồi không còn khó như trước nữa. Mỗi vụ thu nhập tăng khoảng 2,5-3 tạ, thế là tốt lắm so với cách làm trước đây...
Tình cờ chúng tôi gặp chị Lò Thị Hả ở bàn Đêu I, xã Nghĩa An, TX Nghĩa Lộ ngay trên ruộng lúa nhà mình, chị chẳng giấu giếm: "Nhà tôi chỉ có 2.400 m2 ruộng thôi, không có đất đồi, cả nhà 5 khẩu trông vào diện tích ruộng ấy. Nhiều năm lúa bị sâu bệnh mất mùa đói là chuyện bình thường bác ạ. Khi Hội Phụ nữ và cán bộ khuyến nông vận động sử dụng phân nén dúi sâu, mỗi vụ tôi dùng 60 kg phân nén.
Mới đầu chưa quen thì khó làm quá, nay thì quen rồi, lúa không bị sâu bệnh nhiều như trước, mỗi vụ chỉ phun thuốc trừ sâu bệnh 2 lần thôi, trước đây thì phải phun 5-6 lần, tốn tiền tốn công để phun thuốc trừ sâu quá. Làm cách này lúa tốt hơn cách làm cũ, vụ xuân thu nhiều hơn 5 tạ, vụ mùa được 3 tạ...".
Ông Ricardo Fernández Algora, Trưởng đại diện Codespa tại Việt Nam:
"Với trên 100.000 hộ nông dân tham gia chương trình này, đủ thấy phương pháp canh tác SDFRI rất có hiệu quả mà Codespa tài trợ và triển khai đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân. Viên phân nén dúi sâu tự bản thân nó không làm nên điều gì, nhưng nó là sự kết hợp các phương pháp canh tác tiên tiến làm bùng nổ năng suất. Chính điều đó đã thu hút được người nông dân tham gia ngày một nhiều hơn...".
Theo Nông nghiệp Việt Nam