Mỗi xã phải đào tạo một nghề chính

Mỗi xã phải đào tạo một nghề chính
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khi đề cập đến hiện tượng một số địa phương tổ chức đào tạo quá nhiều nghề nông nghiệp cùng một lúc.

+ Không dạy nghề kiểu “hàng xén”

Theo Bộ trưởng, phương châm dạy nghề trong giai đoạn 2014 – 2015 là: “Đào tạo có trọng tâm, trọng điểm” và “đào tạo đến đâu chắc đến đó, không chạy theo số lượng”.

Gần 67.000 lao động đã được học nghề nông

Chiều qua (17/4), Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị báo cáo công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn 2010 – 2013. Báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT), tổng số lao động nông nghiệp đã được đào tạo nghề cho cả giai đoạn 2010 – 2013 là 66.828 người (đạt trên 50% mục tiêu của Đề án). Theo đánh giá chung của các địa phương, các lớp đào tạo nghề nông nghiệp đều tập trung trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo nhu cầu của địa phương, gắn với chương trình xây dựng NTM và quy hoạch phát triển nông nghiệp xã. Các lớp dạy nghề nông nghiệp đã lấy thực hành là chính, với phương châm “cầm tay chỉ việc”; giúp người học tiếp cận và làm theo những mô hình, điểm trình diễn đã có.

Riêng trong năm 2013, trong số 188.768 LĐNT đã học xong, có 88,2% học viên đã có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ cho năng suất và thu nhập cao.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Nhạn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ: Đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn thiếu định hướng; không ít địa phương chưa gắn với chương trình MTQG xây dựng NTM và chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đào tạo nghề hiện nay mới tập trung vào các nghề cũ, chưa tạo được các nghề mới; chưa gắn với các công ty, doanh nghiệp, HTX. Và nội dung chương trình, phương thức tổ chức lớp, chính sách hỗ trợ người học còn có nhiều điểm chưa phù hợp.

Mỗi xã phải đào tạo một nghề chính

Sau khi nghe báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ và trao đổi của các đại biểu tham dự hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: Trong năm 2013, chúng ta đã nỗ lực thực hiện những nhiệm được giao theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT và đạt được những kết quả tích cực. Để chỉ đạo các địa phương thực hiện có chiều sâu và hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp trong năm 2014 - 2015, trước tiên chúng ta cần phải trả lời 3 câu hỏi: Đối tượng đào tạo chính là ai? Đào tạo như thế nào? Và ai là người đào tạo?

Thứ nhất, về đội ngũ kỹ thuật viên nông nghiệp cơ sở làm dịch vụ, phục vụ quản lý nông nghiệp (thú y, bảo vệ thực vật, thủy nông, khuyến nông), Bộ trưởng Cao Đức Phát coi đó là lực lượng nòng cốt, hạt nhân về mặt kỹ thuật để hướng dẫn, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nông thôn tại cơ sở. “Ở địa phương, tôi thấy có nhiều người hành nghề hoạn lợn, dẫn tinh cho lợn, cho bò nhưng chưa có chứng chỉ hành nghề. Họ vẫn hoạt động ngoài luồng. Cả nước bây giờ mới chỉ có 900 dẫn tinh viên, nhưng ngành nông nghiệp phải cần tới 10.000 dẫn tinh viên mới đủ. Vì thế trong 2 năm tới, nhất quyết phải làm sao để đội ngũ này được đào tạo để cấp chứng chỉ nghề”.

Đối với đội ngũ làm dịch vụ thuốc BVTV, thuốc thú y, không ít người không có trình độ chuyên môn nhưng vẫn hành nghề mua bán. Nhiều khi nông dân miêu tả tỉ mỉ tình trạng cây trồng, vật nuôi mà họ không đủ trình độ phân tích chẩn đoán bệnh, cứ thế bán thuốc một cách tù mù. Điều này là rất nguy hiểm. Do đó, Bộ trưởng chỉ đạo thời gian tới lực lượng chức năng phải tập trung rà soát các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, thuốc thú y, nếu không có chứng chỉ sơ cấp nghề trở lên thì kiên quyết không cho phép buôn bán.

Bên cạnh đó, chúng ta có khoảng 30.000 chiếc tàu, thuyền, tương đương với khoảng 60.000 thuyền trưởng, máy trưởng. Trong những năm qua, chúng ta mới chỉ đào tạo được khoảng 20.000 người. Vì thế cần phải tiếp tục đào tạo nghề này cho khoảng 40.000 người nữa.

Thứ hai, phải ưu tiên trước nhất cho các đối tượng LĐNT đang cần có chứng chỉ sơ cấp nghề phù hợp để có thể làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại để họ có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm một cách nhanh nhất.

Đào tạo có trọng tâm, trọng điểm

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu tham dự hội nghị rằng: trong thời gian tới nên đẩy mạnh ưu tiên dạy nghề cho nông dân vùng sản xuất hàng hóa ở đồng bằng hay nông dân các tỉnh miền núi, Bộ trưởng Phát cho rằng: Việc sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa, tập trung là xu thế tất yếu để giảm nghèo. Không chỉ ở đồng bằng mà miền núi cũng phải sản xuất theo quy mô hàng hóa. “Bây giờ người dân miền núi không còn đói ăn nữa. Cái mà họ thiếu là tiền để mua xe, xây nhà, kiếm thức ăn và đi chơi. Và một nền nông nghiệp tự cung tự cấp chắc chắn không thể cho họ thứ đó. Vậy thì phải sản xuất lớn.

Mà muốn sản xuất lớn thì lãnh đạo từng xã phải nghiên cứu thị trường, phong tục tập quán và trình độ sản xuất của nông dân để phát triển một cây, một con chủ lực của địa phương mình, gắn với quy hoạch NTM. Từ nay đến hết năm 2015, các cơ sở đào tạo nghề phải bám vào quy hoạch NTM của địa phương để đi sâu đào tạo 1, 2 nghề trọng tâm và lôi cuốn học viên tham gia. Dạy đến đâu hiệu quả đến đó, đảm bảo phải xây dựng được sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương trước, sau đó mới nghĩ đến các nghề bổ trợ khác. Không dạy nghề theo kiểu “hàng xén”. “Nghĩa là nếu chỉ có ba ông học nuôi ếch, năm ông học nuôi lươn, bảy ông học nuôi cua thì để giai đoạn sau”, Bộ trưởng nói.

Trung tâm Khuyến nông phải trở thành trung tâm đào tạo nghề

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Trên thực tế thì Trung tâm cũng được tham gia vào hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT. Nhưng, đặc thù của ngành khuyến nông chủ yếu là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp cho nông dân. Số lượng mô hình lên tới hàng ngàn và dạy học ngay tại đầu bờ, chuồng trại của địa phương. Mỗi đợt tập huấn chỉ kéo dài 7 đến 10 ngày, vì thế khó có thể xây dựng được cơ sở đào tạo tập trung bao gồm đầy đủ các mô hình. Mặc dù chúng tôi là đơn vị thực hiện đào tạo, nhưng vẫn phải mua phôi chứng chỉ sơ cấp nghề của Bộ LĐ-TBXH để cấp cho các học viên là LĐNT.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Năm nay chúng ta phải tập trung chỉ đạo để làm sao tất cả các Trung tâm Khuyến nông phải trở thành trung tâm đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn. Tôi thấy, trong số 6.000 cán bộ thỉnh giảng trong các lớp dạy nghề nông nghiệp theo Đề án 1956 của Chính phủ thì phần lớn là cán bộ khuyến nông. Nghiệp vụ sư phạm họ có thừa, cái thiếu ở đây chỉ là cơ sở vật chất. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta phải làm sao đề nghị các Chủ tịch tỉnh và Sở NN-PTNT các tỉnh tạo điều kiện tốt nhất để Trung tâm khuyến nông tỉnh đó đáp ứng được điều kiện thành lập cơ sở dạy nghề. Nếu cần thiết, cơ quan khuyến nông có thể hợp tác, liên kết với các trang trại, các mô hình, doanh nghiệp để đáp ứng quy định của nhà nước”.

nguồn: nongnghiep.vn