Một số vấn đề về nông nghiệp hữu cơ và hướng phát triển tại Hà Tĩnh

Một số vấn đề về nông nghiệp hữu cơ và hướng phát triển tại Hà Tĩnh
Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong những phương thức canh tác để sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Ưu điểm vượt trội của phương thức canh tác này là thân thiện với môi trường. Song sản xuất NNHC có những điều kiện nghiêm ngặt. Mặt khác, sản phẩm NNHC có giá bán rất cao so với sản phẩm sạch và an toàn do các phương thức sản xuất khác đang triển khai.
Gần đây chúng ta nói nhiều về NNHC trong bối cảnh hiện hữu của "canh tác hóa học", khai thác đến suy kiệt đất đai, nguồn nước. Đây là một hướng đi đúng đắn nhưng còn khá mới mẻ vì lâu này chủ yếu tập trung làm nông nghiệp an toàn nhăm  đảm bảo an ninh lương thực. Vì vậy, hiểu đúng bản chất của NNHC và những khác biệt so với nông nghiệp an toàn (NNAT) là hết sức cần thiết.
Kết quả hình ảnh cho nông nghiệp hữu cơ
Tổng quan về Nông nghiệp hữu cơ
 
 
Sự khác biệt giữa NNHC và NNAT
Sản phẩm NNHC không chỉ tuyệt đối an toàn cho người mà còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, công bằng cho mọi sinh vật sống trong hệ sinh thái, bền vững cho tương lai. NNHC có nhiều đặc thù và khác biệt so với NNAT, cụ thể:
Một là, cơ sở phải trải qua giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ ít nhất 12 tháng đối với cây ngắn ngày, 18 tháng đối với cây dài ngày hoặc tối thiểu 6 tuần đối với gia cầm lấy trứng hoặc 12 tháng đối với trâu, bò,...(theo dự thảo TCVN mới về NNHC). Trong giai đoạn này, phải thực hiện đúng tiêu chuẩn nhưng sản phẩm chưa được coi là hữu cơ.
Hai là, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, chất bảo quản, cahát phụ gia là hóa chất tổng hợp; thuốc kháng sinh, hoocmôn tăng trưởng; không sử dụng sản phẩm từ công nghệ biến đổi gen, công nghệ nano, xử lý chiếu xạ; dùng kháng sinh, thuốc thú y tổng hợp khi không còn cách nào khác và nếu sử dụng quá 1 lần cho vạt nuôi có vòng đời dưới 1 năm thì sản phẩm đó không còn là hữu cơ.
Ba là, vật tư, công nghệ đầu vào trong sản xuất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên và theo danh mục tại tiêu chuẩn NNHC; ưu tiên sử dụng nguồn hữu cơ tại chỗ (xác thực vật, phân động vật,...) để duy trì độ phì của đất và cân bằng dinh dưỡng cho cây trồng.
Bốn là, quan tâm đến cuộc sống của các thành viên trong hệ sinh thái như hệ vi sinh vật trong đất, loài thiên địch hay đảm bảo diện tích tối thiểu về đồng cỏ, nơi chăn thả, chuồng trại/đầu con; giảm đau đớn, căng thẳng cho con vật khi giết mổ,...
Thách thức của NNHC
Cần khẳng định, làm NNHC không dễ dàng, nhiều khó khăn và thách thức:
Một là, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp hơn so với sản xuất an toàn, do không dùng phân bón hóa học, thuốc BVTV, hoocmôn tăng trưởng,...
Hai là, đối mặt với dịch bệnh do không dùng thuốc BVTV, hạn chế tối đa dùng thuốc thú y, kháng sinh tổng hợp trong khi cơ sở hữu cơ và không hữu cơ nằm liền kề, đan xen mặc dù có vùng đệm nhưng nguy cơ lây truyền bệnh rất cao.
Ba là, sản xuất hữu cơ tốn nhiều công lao động hơn (thu gom xác thực vật, làm phân hữu cơ, làm cỏ, làm bẫy bã,...)
Bốn là, giá thành sản phẩm cao hơn đáng kể so với sản phẩm an toàn do năng suất thấp, chi phí cao.
Thị trường và xu thế NNHC
Cần khẳng định NNHC là xu thế tất yếu, ngày càng phát triển bởi NNHC là loại hình nông nghiệp bền vững nhất. Người tiêu dùng không chỉ đòi hỏi cho mình mà còn đòi hỏi cho thế hệ mai sau. Thị trường sản phẩm hữu cơ mới tồn tại một vài năm trở lại đây và đang trên đà tăng trưởng.
 Giải pháp phát triển NNHC tại Hà Tĩnh
Sản xuất NNHC phải gắn với phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh và các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của các huyện. Phát triển mô hình vườn mẫu và sản xuất NNHC phải tuân thủ nguyên tắc, có kế hoạch lộ trình cụ thể, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm. Riêng đối với cây dược liệu, dù bất cứ giá nào cũng phải sử dụng phương thức canh tác NNHC.
Sản xuất hữu cơ phải theo tiêu chuẩn được nhà nước chấp thuận, được chứng nhận phù hợp, có nhãn, lôgô,…
Ưu tiên những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm đang có thị trường xuất khẩu lớn để từng bước chuyển sang sản xuất hữu cơ. Bên cạnh thực phẩm hữu cơ cần quan tâm đến dược liệu hữu cơ; không chỉ sản phẩm tươi, thô mà cần chế biến đa dạng để có giá trị cao hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Khuyến khích sản xuất hữu cơ các vật tư đầu vào như hạt giống, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thảo mộc,…
Phát triển thị trường sản phẩm hữu cơ, thị trường không tự nhiên mà có nên rất cần vai trò của doanh nghiệp liên kết với nông dân, nhà nước cần hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

Theo Như Quỳnh/sonongnghiephatinh.gov.vn