Nam Định: Kinh nghiệm nuôi tôm hạn chế dịch bệnh tại vùng biển Giao Phong

Nuôi tôm mang lại lợi nhuận rất cao nhưng rủi ro cũng rất lớn. Mặc dù ngành nông nghiệp đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân để kiểm soát dịch bệnh, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được, đặc biệt là bệnh chết sớm (bệnh hoại tử gan tụy) ở tôm.
Ông Cao Văn Ba (áo xanh) và ông Trần Ngọc Sỹ (PGĐ TTKNKN Nam Định) trên khu ao nuôi tôm xã Giao Phong

Đứng trước những khó khăn đó thì việc kết hợp khoa học và kinh nghiệm thực tiễn để phòng trừ dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại là việc làm cần thiết. Chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm của một nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng hạn chế dịch bệnh. Đó là ông Cao Văn Ba ở Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản I xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

 

Ông Nguyễn Văn Ba đã nuôi tôm trên 10 năm. Khi bắt đầu nuôi, tôm của ông cũng thường xuyên bị dịch bệnh, gia đình chịu thiệt hại lớn. Sau nhiều năm nghiên cứu từ nuôi mật độ thưa, tẩy dọn ao theo đúng quy trình kỹ thuật, chọn mua tôm ở cơ sở sản xuất có uy tín nhưng dịch bệnh vẫn không tránh khỏi. Ông đã đi tham quan một vài mô hình nuôi tôm thành công, cộng với kinh nghiệm thực tiễn, ông nhận định khu ao nuôi ở Giao Phong chủ yếu bị ô nhiễm chất đáy, khi đáy ao đã ô nhiễm không thể xử lý triệt để được. Ông quyết định đổ cát tối thiểu 30cm khắp đáy ao, kè bờ xung quanh bằng bê tông, xây bờ cao hơn mặt đường 0,5 m để hạn chế địch hại xâm nhập. Tôm giống được mua từ cơ sở có uy tín. Khi mới mua về ông nuôi trong ao ương với mật độ cao từ 2500 – 3000 con/m2. Sau một tháng ,ông san sang ao khác, mật độ từ 60 – 80 con/m2. Khi thu hoạch tôm xong, ông tiến hành rửa sạch cát ở đáy ao, phơi khô rồi nuôi tiếp. Với cách làm này, 2 năm qua, tôm của ông không bị dịch bệnh và phát triển rất tốt. Hiện, ông đang nuôi gần 10 ha và mỗi năm, ông thu được từ 5-7 tỷ đồng. Ông cũng khuyến cáo bà con xung quanh nên ứng dụng cách làm của ông để hạn chế dịch bệnh. Đây là kinh nghiệm hay cần được nghiên cứu áp dụng.

 

Kim Văn Tiêu - TTKNQG