Nền nông nghiệp phụ thuộc nhập khẩu
- Thứ năm - 15/11/2012 02:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nguyên nhân là do công tác nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) trong nước chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Chuộng cây, con ngoại
Ngành nông nghiệp nước ta đang ngày càng phát triển và tiến lên hiện đại, song thực tế đến nay rất nhiều thứ phải nhập khẩu, từ giống lúa, khoai, mía, sắn, ngô, lạc cho đến máy cày, máy cấy… Rồi từng giống gà, giống lợn, bò… cũng phải nhập. Nghịch lý này đã tồn tại trong suốt mấy chục năm qua. GS-TS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo cho biết: “Chỉ riêng tại miền Bắc, hiện có tới 70% các giống lúa nhập từ Trung Quốc. Sở dĩ chúng ta thích nhập, vì nhập giống vừa nhanh hơn, lại rẻ hơn”.
Cán bộ Viện Nghiên cứu rau quả làm thí nghiệm tại phòng sinh học phân tử. |
PGS- TS Hoàng Văn Tiệu- nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia, thì cho rằng, về việc nhập con giống, cây giống, thì không chỉ có nước ta, hầu hết các nước vẫn phải nhập khẩu bởi cần có những cây, con giống mới, phong phú hơn.
“Chỉ có điều, các nước phát triển, họ đầu tư lớn hơn để làm ra các bộ giống bài bản, còn nước ta đầu tư chỉ với 2% ngân sách hàng năm cho KHCN là quá thấp, chưa đủ để nghiên cứu ra các kết quả khó, đòi hỏi những thiết bị phục vụ nghiên cứu hiện đại” - ông Tiệu phân tích.
Chia sẻ vấn đề này, PGS -TS Tạ Minh Sơn- nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nói: “Trong nhiều năm, chúng ta vẫn phải nhập giống cây con của các nước, dù trong nước không thiếu đội ngũ những nhà nghiên cứu khoa học. Cái được của việc đi nhập các tiến bộ kỹ thuật là đáp ứng tức thì nhu cầu, có tính cấp thiết trước mắt. Song về lâu dài cần phải tạo được sức mạnh nội lực, tức là ứng dụng, chuyển giao các nghiên cứu khoa học trong nước vào thực tế. Không thể phụ thuộc mãi rồi dẫn đến cái gì cũng nhập...”.
“Hai nhà” vẫn… đợi nhau
GS - TS Võ Tòng Xuân thẳng thắn nói: Sở dĩ, KHCN chúng ta hiện không phát triển được là do các doanh nghiệp không chịu “xài” các sản phẩm trong nước, họ chỉ thích đi nhập, thậm chí “ăn cắp” giống cây, kỹ thuật về cho nhanh. “Như 2 tổng công ty lương thực là Vinafood 1 và 2, hàng năm xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo, nhưng họ không chịu chi một đồng cho các tỉnh, các viện để nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa mới. Do đó, để thực hiện được Nghị quyết 20 của Đảng vừa rồi theo tôi là rất khó, nếu chúng ta không thay đổi được tư duy của các doanh nghiệp” - ông Xuân nói thẳng.
Trong khi đó, PGS - TS Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam mong muốn Nhà nước cần có những chính sách để khuyến khích nhà khoa học lao động sáng tạo, kinh doanh sáng tạo. Ví dụ vấn đề thuế thu nhập, cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, ngành nghề đó, vấn đề vay vốn...
Tuy vậy, qua trao đổi với NTNN, một số doanh nghiệp bày tỏ rằng thực tế họ cũng rất muốn sử dụng giống do các viện trong nước nghiên cứu ra, song giống trong nước có hạn chế là sớm thoái hóa, năng suất thấp, nhất là các giống con. Một thực tế nữa là nhiều doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng bỏ tiền túi ra để tự đầu tư, chọn tạo giống mới cho mình.
Ông Phùng Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang (Ninh Bình) đã bỏ tiền túi cùng các nhà khoa học chọn tạo các bộ giống lúa mới với tiêu chí năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon.
“Thực tế, việc đầu tư KHCN cho nông nghiệp cũng rất tốn kém. Quá trình đầu tư cho ra được một bộ giống hoàn chỉnh phải mất ít nhất 5 - 6 năm với chi phí trung bình 3 tỷ đồng. Chi phí ban đầu ấy chắc chắn tốn hơn rất nhiều so với đi mua một bộ giống về để thương mại hoá” - ông Quang giải thích.
TS Nguyễn Trí Hoàn - Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết, viện của ông và một số viện khác đang gặp khó trong chuyển giao công nghệ: “Ở các nước, doanh nghiệp được nhà nước bảo hộ, ưu đãi nên họ mạnh dạn bắt tay với các nhà khoa học. Ở nước ta hiện chưa có nhiều các chính sách bảo hộ như vậy, nên doanh nghiệp rất ngại vì độ rủi ro cao”.
TS Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng, Trưởng ban KHCN địa phương (Bộ KHCN): KHCN phải gắn với nhu cầu phát triển
Nếu năm 1986 sản lượng cà phê 35.000 tấn thì nay đã trên 1,2 triệu tấn; cá tra xuất khẩu được 50 triệu USD thì nay đã trên 5 tỷ USD... Sản lượng lúa gạo bình quân đầu người từ 280 kg/người, nay là 470kg/người, gấp 1,7 lần. Nếu không có sự tiến bộ, nếu không có sự cống hiến của nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý... làm sao có được những điều đó. Theo tôi, KHCN phải gắn với nhu cầu phát triển của từng doanh nghiệp, của từng nhóm kinh tế. Tôi nghĩ điều ấy còn thiếu và nếu không thay đổi được điều đó thì chắc chắc KHCN cũng không phát huy được vai trò thực sự của mình.
PGS-TS Tạ Minh Sơn - nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN: Nghiên cứu chưa xuất phát từ thực tế
Có một thực tế hiện nay là, những cơ chế, chính sách về KHCN còn bất cập, chính sách đãi ngộ cán bộ chưa tương xứng nên chưa kích thích được nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học. Chính vì thế, dẫn đến tình trạng không ít nghiên cứu khoa học chưa mang tính ứng dụng cao, chưa xuất phát từ thực tế. Thậm chí có tình trạng nhà khoa học nghiên cứu cái mình thích chứ không nghiên cứu những cái mà xã hội đang cần.
Nguyễn Hữu (ghi)
Hữu Thông - Thanh Xuân
Nguồn:danviet.vn