Nền nông nghiệp tốp 15 thế giới
- Thứ hai - 06/08/2018 03:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có rất nhiều phản biện đậm tính khoa học về thực trạng, hướng đi cho nền nông nghiệp Việt Nam, vài người trong số đó là GS đầu ngành Nguyễn Lân Hùng, GS Võ Tòng Xuân, TS Tô Vĩnh Viễn, TS Cao Văn Chí…
Trong các thư viện ở phường, xã có một lượng lớn sách về nông nghiệp, trên internet càng dễ dàng tìm ra những bài hướng dẫn cụ thể cách nuôi trồng từng loại cây, loại con.
Nhưng nhìn toàn cục nền nông nghiệp Việt Nam vẫn lạc hậu, sản xuất manh mún, thiếu liên kết, hàm lượng chất xám chưa cao.
Thủ tướng vừa “đặt hàng” cho ngành nông nghiệp, trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới.
Đây là một yêu cầu rất cụ thể, có mục tiêu rõ ràng, vạch ra được “quỹ đạo” đi và vị trí cần có trên bản đồ nông nghiệp thế giới. Khác hoàn toàn với mục tiêu năm nay xuất khẩu bao nhiêu tỷ nông sản và những bản báo cáo luôn có thời lượng nhất định dành cho thiên tai, địch họa.
Và thêm nữa - cho những người quan tâm đến nông dân, nông thôn hình dung ra nền nông nghiệp tốp 15 thế giới nó thật sự lớn như thế nào. Chúng ta có hơn 1 thập kỷ để làm điều đó.
Trong khi nhiều nước đua nhau làm đặc khu công nghiệp, dịch vụ thì người Nhật làm đặc khu nông nghiệp, không quá ồn ào nhưng họ tạo ra khu nông nghiệp trong nhà lớn nhất thế giới, chỉ trồng xà lách. Đó là những phòng thí nghiệm khổng lồ cho xuất xưởng cây giống và công nghệ nuôi trồng sau khi kiểm nghiệm.
Một cường quốc nông nghiệp khác là Hà Lan, quốc gia có 1/3 diện tích thấp hơn mực nước biển, có thể tưởng tượng tình hình nhiễm mặn còn tồi tệ hơn ngàn lần Đồng bằng sông Cửu Long hiện giờ.
Con đường của nông nghiệp Hà Lan là công nghệ cao tập trung trong đặc khu chỉ mỗi một việc duy nhất là trồng hoa. Vườn hoa Keukenhof ở thủ đô Amsterdam chỉ có diện tích 32 hécta nhưng doanh thu vài trăm triệu USD mỗi năm. Ngoài bán sản phẩm còn là điểm thu hút khách tham quan.
Hai đặc tính cơ bản của những nền nông nghiệp hàng đầu thế giới là áp dụng triệt để công nghệ và chuyên môn hóa cao độ, đây cũng chính là hai điểm yếu nhất của nông nghiệp Việt Nam.
Có thể do thiên nhiên ưu đãi, song người Việt hơi tham lam, thứ gì nuôi trồng được mùa một vài vụ lập tức “quy hoạch” mũi nhọn, quá nhiều mũi nhọn chủ lực nên không biết nên tập trung vào thứ gì để trở nên bản sắc trên thế giới.
Thế giới có táo Mỹ, bò Úc, xà lách Nhật, nho Pháp… Việt Nam có gì? Việt Nam có rất nhiều thứ nhưng ít có thứ gì vượt trội so với thế giới. Lúa gạo là trụ cột nhiều năm nhưng chất lượng không bằng Thái, sầu riêng cũng đặc sản nhưng cạnh tranh mệt nghỉ với Malaysia…
Chúng ta chỉ hăng hái nuôi trồng thứ gì mà mình cho là có lợi thế nội tại, mà quên rằng nông nghiệp hàng hóa là sản xuất cho người khác chứ không phải cho mình.
Chính phủ đã định rõ vị trí của nông nghiệp Việt Nam trong một thập kỷ tới. Đây không còn là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp mà là hầu hết các bộ ngành, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ xem ra phải tiên phong.
Tốp 15 toàn cầu về nông nghiệp đòi hỏi trước hết ở khoa học công nghệ, có thể cần những đặc khu nông nghiệp do chính người Việt làm chủ, Đà Lạt là địa điểm lý tưởng để tạo ra những sản phẩm rau củ sánh kịp Nhật Bản, Israel.