Nghiên cứu vắc-xin và các giải pháp an toàn sinh học phòng chống DTLCP

Nghiên cứu vắc-xin và các giải pháp an toàn sinh học phòng chống DTLCP
Về giải pháp trung hạn, dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ phối hợp với quốc tế tập trung vào các nghiên cứu khoa học, nghiên cứu vắc-xin và các giải pháp an toàn sinh học trong công tác phòng, chống dịch.

Sáng 31/5, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo trước Quốc hội về tình hình ngành nông nghiệp, trong đó đặc biệt là dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trong thời gian qua.

tiem-vacxin-cho-lon1.jpg

Áp dụng tiêm vắc xin định kỳ đẩy đủ cho đàn lợn nuôi và đảm bảo chăn nuôi an toàn. (Ảnh: Hồng Liên)



"Riêng về dịch tả lợn thì đây là vấn đề rất lớn mà có lẽ lịch sử chưa bao giờ xảy ra với chúng ta và cả ngành chăn nuôi trên thế giới... Đây là bệnh dịch cực kỳ nguy hiểm trên ngành hàng chăn nuôi lợn trên thế giới và ở Việt Nam. Việt Nam ý thức được việc này vì chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp, giá trị nông nghiệp vào 1 triệu tỷ thì chăn nuôi lợn chiếm 94.000 tỷ (gần 10%). Thứ hai trong cơ cấu thực phẩm, hiện thịt lợn chiếm 70% cơ cấu về thịt trong bữa cơm của người dân. Thứ ba, đây là ngành là giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ dân và 10.000 hộ chăn nuôi lớn....," Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.

Dự báo trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết trước diễn biến của thời tiết vô cùng phức tạp như năm nay, với đặc thù của bệnh và điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay, nếu không có biện pháp quyết liệt, hữu hiệu, khả năng dịch bệnh sẽ lan ra các vùng chưa có dịch còn lại. Nguy cơ thứ hai là dịch bệnh quay trở lại các vùng đã qua 30 ngày không xuất hiện dịch.

Về giải pháp kỹ thuật trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh về biện pháp an toàn sinh học trong phòng chống dịch.

"Về giải pháp kỹ thuật, biện pháp an toàn sinh học là vũ khí duy nhất trong thời điểm này. Tất cả các hộ chăn nuôi, các doanh nghiệp lớn, nếu thực hiện tốt an toàn sinh học sẽ ngăn được không lan dịch," Bộ trưởng nhấn mạnh.

ttxvn_3105_nguyen_xuan_cuong.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Quốc hội. 



Theo Bộ trưởng, vấn đề cần thực hiện lúc này là giảm thiệt hại về mặt kinh tế trong quá trình phòng, chống dịch. "Hiện vẫn còn 94% đàn lợn sạch, không bị bệnh, do đó công tác tuyên truyền và các giải pháp về tiêu thụ thịt lợn là rất quan trọng. Đây vừa là giải pháp kỹ thuật, vừa là giảm thiểu về kinh tế, tức là giúp cho thị trường không bị xuống giá lúc này và đề phòng sốt giá vào quý 3, quý 4 hoặc khủng hoảng thiếu," Bộ trưởng cho biết.

Mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã họp bàn cùng với các doanh nghiệp có biện pháp dự trữ thịt lợn đông lạnh.

Về giải pháp hỗ trợ nông dân, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính cùng với các ngành nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi phù hợp với điều kiện hiện nay.

Về giải pháp trung hạn, dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ phối hợp với quốc tế tập trung vào các nghiên cứu khoa học, nghiên cứu vắc-xin và các giải pháp an toàn sinh học trong công tác phòng, chống dịch.

Cấp đông thịt lợn: Doanh nghiệp không mặn mà vì đầu tư "khủng", rủi ro lớn

Việc cấp đông thịt từ lâu đã được các nước chăn nuôi xem như một trong những quy trình cần có trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cả người dân và doanh nghiệp (DN) lại không mấy mặn mà với điều này.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, kho lạnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo tương đối cho việc cấp đông thịt. Tuy nhiên, cả thành phố mới chỉ có một DN thực hiện cấp đông. Bà Lan đánh giá, nguyên nhân là do chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các DN.

Là DN thực hiện việc cấp đông trên địa bàn Hà Nội, Cty TNHH thực phẩm Minh Anh cho biết, DN đã tổ chức cấp đông được hơn 500 tấn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, đại diện DN cho biết, kho lạnh đã hết chỗ. DN đang gặp nhiều khó khăn về vốn, bởi để đầu tư hệ thống kho cấp đông rất tốn kém. Thêm vào đó, chi phí để vận hành kho cũng không hề nhỏ. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp mất 200 triệu tiền thuê kho và các chi phí để vận hành.
Ông Võ Viết Dũng, Chủ tịch HĐQT, Cty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi không chỉ cần hỗ trợ về vốn, chính sách mà chúng tôi cần có bảo hiểm cho DN, trong bối cảnh cấp đông thịt lợn tại khi đang có dịch tả lợn châu Phi. Hiệu quả nhưng không an toàn, chúng tôi cũng không làm".

Vị lãnh đạo DN này đặt câu hỏi: Ai sẽ đảm bảo cho DN khi DN thực hiện cấp đông với số lượng lên tới hàng trăm tấn, thậm chí là hàng ngàn tấn?

cap-dong-thit-lon-1559228643928792049884-crop-15592286506541312401626.jpg
Ảnh minh họa. 


Năng lực cấp đông của Việt Nam thấp

Liên quan đến năng lực cấp đông của ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm, đại diện Cục chế biến Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, đặc thù của chế biến, cấp đông là phải kiểm tra an toàn rồi đưa vào kho cấp đông ngay với nhiệt độ dưới -40 độ C. Trong 24h, tâm thịt phải đạt -24 độ C thì mới đảm bảo. Nên việc giết mổ 1 chỗ và chuyển cấp đông tại chỗ khác là không ổn.

Cả nước có 380 cở sở giết mổ tập trung song điều kiện cấp đông của các cơ sở này lại chưa có. Hiện nay, mới chỉ có 14 DN thực hiện giết mổ tập trung có hệ thống cấp đông, trong có 5 DN xuất khẩu thịt lợn sữa, đạt công suất 5000 tấn/năm. 9 DN còn lại đảm bảo cấp đông được 6.000 tấn/năm. Con số này còn rất nhỏ so với quy mô 3,81 triệu tấn thịt lợn tiêu dùng/năm của cả nước.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ cho thu mua, giết mổ, cấp đông. Nhưng các DN có thể vận dụng nhiều chính sách như Nghị định 98/2018 của Chính phủ về hỗ trợ liên kết, sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Hay Nghị định 55/2015 của Chính phủ về hỗ trợ cho vay phát sinh phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông sản. DN cũng có thể vận dụng Quyết định 68/2013 của Chính phủ về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch.

Phải thay đổi cơ cấu chăn nuôi

Dịch tả lợn Châu Phi không chỉ gây nhiều tác động tới chăn nuôi lợn mà tới cả tăng trưởng của ngành chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, với sự lây lan mạnh của dịch tả lợn Châu Phi, năm nay, chắc chắn đàn lợn cả nước sẽ giảm, sản lượng lợn sẽ giảm, giá sẽ tăng vào cuối năm. Trong tình hình đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo ngành chăn nuôi vẫn phải giữ vững được thị phần chăn nuôi (hiện chiếm khoảng 20-25%) trong tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Cơ cấu chăn nuôi của Việt Nam đang rất mất cân đối. Ở các nước phát triển, trong cơ cấu chăn nuôi, lợn chỉ chiếm 20-25%, gia cầm chiếm 40% và gia súc ăn cỏ từ 30-35%. Còn ở ta, lợn chiếm tới 65-70%, gia cầm chiếm 20-25%, gia súc ăn cỏ chỉ chiếm 6-8%.

Rõ ràng, đây không phải là cơ cấu thông minh và hợp lý. Bởi về sinh học, vòng đời của gà là ngắn nhất (42 ngày), chi phí tăng trọng rẻ nhất (1,5-1,6 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng). Trong khi đó, lợn nuôi tới 6 tháng, chi phí cho 1 kg tăng trọng lên tới 2,5 kg thức ăn. Chưa kể áp lực về môi trường trong chăn nuôi lợn là rất lớn.

Từ sự mất cân đối nói trên, cộng với áp lực của dịch tả lợn Châu Phi, chúng ta cần phải thay đổi cơ cấu chăn nuôi ngay trong năm 2019 và trong nhiều năm tới.

Theo đó, sẽ phải điều chỉnh mức tăng trưởng của chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ. Năm ngoái chúng ta tăng trưởng 6%, đạt 1,15 triệu tấn thịt gia cầm, năm nay phải đưa lên trên 10% và đạt trên 1,5 triệu tấn. Trứng năm ngoái tăng 9% đạt trên 11,8 tỷ quả, năm nay đặt mục tiêu đạt 12,7-12,8 tỷ quả. Trâu bò năm 2018 tăng 4% và đạt 420 ngàn tấn. Năm nay đặt mục tiêu tăng 6% và đạt 450 ngàn tấn.

Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học

"Tăng cường dự trữ thực phẩm sạch, không chỉ cho cung ứng bây giờ mà những tháng, những quý tới chắc chắn thiếu thịt lợn sạch", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, con đường lây lan của loại dịch bệnh này diễn ra rất phức tạp, đối với các tỉnh ĐBSCL có đặc thù là vùng sông nước nên tốc độ lan truyền rất nhanh. Với điều kiện thời tiết và nguồn bệnh diễn ra như hiện nay, tình hình dịch này còn diễn biến phức tạp, nếu không khống chế tốt, e rằng toàn bộ số địa phương còn lại sẽ mắc bệnh.

Nếu không làm tốt công tác phòng, chống dịch thì không chỉ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà những hộ chăn nuôi lớn dịch bệnh cũng sẽ phát triển vào và gây tác hại nặng nề, vì vậy, sắp tới Bộ đề nghị tất cả các địa phương tổng rà soát lại kịch bản ứng phó với dịch bệnh để hoàn thiện một cách tích cực nhất.

An toàn sinh học (ATSH) được cho là một biện pháp phòng chống bệnh tốt nhất hiện nay, xử lý môi trường tổng thể ATSH cho tất cả các cơ sở nuôi từ các hộ nhỏ lẻ đến các hộ lớn.

Vừa rồi nơi nào làm tốt ATSH thì hạn chế được dịch bệnh kể cả các tỉnh phía Bắc, nơi nào làm một cách triệt để thì hạn chế bệnh một là không đến hoặc nếu có đến thì lây lan rất chậm và không phát triển ở những khu vực trọng yếu.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị phải vệ sinh an toàn tổng thể, tiêu độc khử trùng thật tốt tổng quan chung, và do AFS không có thuốc chữa, không có thuốc phòng nên chúng tôi khuyến nghị bà con không tái đàn lúc này, đợi đến khi nào tình hình dịch bệnh ổn định, đủ điều kiện cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ thông báo lúc đó mới tái đàn trở lại.

 Thanh Tâm   (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn